MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm tái cơ cấu ngành Công Thương: Còn đó những thách thức cho giai đoạn 2021-2030

10 năm tái cơ cấu ngành Công Thương: Còn đó những thách thức cho giai đoạn 2021-2030

Sau gần 10 năm tái cơ cấu, ngành Công Thương vẫn là động lực cho tăng trưởng kinh tế song sự chuyển dịch cơ cấu ngành còn chậm, tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại trong GDP mới nhích từ 35,1% năm 2011 lên 39,2% năm 2020.

Đây là một trong những thực tế được đề cập trong Báo cáo xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Công Thương dự thảo và hoàn thiện.

Trong báo cáo này, Bộ Công Thương đã thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được sau gần 10 năm tái cơ cấu (2011-2020) cũng như những tồn tại, bài học kinh nghiệm làm tiền đề để xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030.

CÔNG NGHIỆP VẪN PHÁT TRIỂN THEO CHIỀU RỘNG, NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG THẤP

Sau gần 10 năm triển khai "Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và "Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025", ngành Công Thương đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp khoảng 42% vào GDP (trong đó, công nghiệp chiếm 27,54%; thương mại trong nước chiếm 11,66% và xuất, nhập khẩu chiếm 2,5%).

Quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương cũng đã có đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ; cơ cấu nội ngành công nghiệp ngày chuyển dịch theo hướng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần công nghiệp khai khoáng; ngành năng lượng ngày càng chuyển dịch theo hướng xanh hóa với cơ cấu năng lượng tái tạo ngày càng tăng; xuất nhập khẩu và thị trường trong nước ngày càng khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng…

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương quá trình tái cơ cấu của ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua thực hiện chậm, quá trình công nghiệp hóa chưa tạo ra các chuyển biến rõ nét; tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại trong GDP không thay đổi nhiều qua các năm (từ 35,1% năm 2011 lên 39,2% năm 2020).

Việc triển khai tái cơ cấu ngành Công Thương, đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành giai đoạn 2011-2020 vẫn còn tồn tại 4 hạn chế lớn.

Thứ nhất, ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu, tiến trình công nghiệp hóa trong công nghiệp thực hiện chậm.

Theo đó, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo so với GDP, tỷ lệ đóng góp vào công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu còn hạn chế, kể cả so với các nước trong khối ASEAN.

Công nghiệp cũng là ngành có tốc độ tăng năng suất lao động thấp nhất trong các ngành kinh tế, chậm đổi mới công nghệ với đội ngũ lao động tay nghề thấp (28,54% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật), các ngành công nghiệp công nghệ thấp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (chiếm khoảng 65-70% trong toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam, trong khi toàn cầu chỉ là 18%).

Bên cạnh đó, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn. Đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may , da giày, điện tử Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%; và phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI.

Bộ Công Thương đánh giá, đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam bởi về dài hạn, các doanh nghiệp FDI sẽ rất dễ dàng rời sang quốc gia khác nếu các điều kiện cho sản xuất và tiếp cận thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn.

10 năm tái cơ cấu ngành Công Thương: Còn đó những thách thức cho giai đoạn 2021-2030 - Ảnh 1.

Ngoài ra, sự phân bố không gian các ngành công nghiệp cũng chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng, chưa hình thành được các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa. Doanh nghiệp tư nhân trong nước trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu quy mô nhỏ và kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là năng lực cạnh tranh của ngành năng lượng chưa cao và còn đối mặt với nhiều thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng. Thậm chí Việt Nam đã chuyển dịch từ quốc gia xuất siêu năng lượng sang nhập siêu từ năm 2015 với quy mô nhập siêu ngày càng lớn (tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu tăng từ 33,47% năm 2015 lên 402% năm 2019), đặc biệt là than và dầu khí; nhiều dự án năng lượng (dầu khí, điện) chậm tiến độ so với quy hoạch, kế hoạch ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung ứng năng lượng và nguy cơ thiếu điện.

Thứ ba, xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, lợi thế của đất nước và chưa thực sự bền vững. Xuất khẩu mới chỉ mới khai thác được khoảng 1/2 tiềm năng hiện có và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên phụ liệu (chiếm trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu) dẫn đến giá trị gia tăng xuất khẩu thấp  và giảm dần qua các năm, dễ gặp bất lợi mỗi khi giá thế giới biến động tăng khiến tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh.

Thứ tư, phát triển thương mại trong nước chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực thị trường mới nổi với quy mô dân số trẻ và sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu.

Dung lượng của thị trường trong nước còn thấp, mới chỉ chưa đến 1/2 lần so với thị trường xuất khẩu và khoảng 1/4 so với thị trường xuất nhập khẩu và đang ngày càng bị doãng ra (tỷ trọng thị trường trong nước so với xuất khẩu giảm từ 77,2% năm 2011 xuống còn khoảng 58,51% vào năm 2020); sức mua trong nước còn hạn chế do thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp và chưa có các trung tâm mua sắm mang tầm quốc tế như một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Singapore) để khai thác cầu thế giới.

Hệ thống phân phối hiện đại mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy mô hàng hóa lưu thông chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu bán lẻ; quy mô thị trường thương mại điện tử còn rất nhỏ so với quy mô của toàn thị trường bán lẻ và thấp hơn rất nhiều so với các nước.

NÂNG TỶ TRỌNG ĐÓNG GÓP TRỰC TIẾP CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG VÀO GDP LÊN 55-60%

Trên cơ sở những kết quả cũng như những hạn chế của 10 năm triển khai tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, trong dự thảo "Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới; xếp thứ 2 trong ASEAN về quy mô thị trường bán lẻ và thương mại điện tử.

Đến năm 2030, ngành Công Thương sẽ có đóng góp trực tiếp lớn nhất vào GDP với tỷ trọng 55-60%, trong đó, công nghiệp đóng góp 38-40%, thương mại trong nước đóng góp 15-15,5% và xuất nhập khẩu đóng góp 2-4,5%.

10 năm tái cơ cấu ngành Công Thương: Còn đó những thách thức cho giai đoạn 2021-2030 - Ảnh 2.

Đối với công nghiệp, đề án đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%; tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 20%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.

Có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên trường quốc tế và cải thiện được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; Công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đạt trên 45%.

Đối với ngành năng lượng, mục tiêu đặt ra là đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 173 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030; Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 118 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030; các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng.

Đồng thời, nâng tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp lên khoảng 15-20%; Giảm phát thải khí nhà kính ở mức 15% vào năm 2030...

Đối với xuất nhập khẩu, mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt khoảng 10-12%; tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa xuất khẩu đạt 35-40%; tỷ trọng hàng hóa được dán nhãn Made in Vietnam chiếm 35- 40% tổng kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường có FTA với Việt Nam tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 5-8%; tỷ trọng thương mại điện tử qua biên giới khoảng 10-15% quy mô của toàn thị trường; quy mô thương mại điện tử chiếm 1,5-2% GDP.

Cùng với đó, phấn đấu nâng tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước lên 45-50%; của hàng hóa công nghệ cao tăng lên 65-70%. Đồng thời, giảm chi phí logistics xuống khoảng 12-15% GDP; duy trì thặng dư cán cân thương mại với tỷ lệ xuất siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4,5-5%.

Đối với thị trường trong nước, phấn đấu đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 13-13,5%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 15-20%; tốc độ tăng trưởng bình quân bán lẻ hàng hóa qua kênh thương mại điện tử tăng khoảng 25-30%.

Đến năm 2030, tỷ lệ hàng hóa phân phối qua hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 38-42%; tỷ lệ hàng hóa phân phối qua các kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11%; tỷ trọng bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15%.

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh phân cấp phân quyền và thực hiện Chính phủ số.

Đồng thời, xây dựng và đồng bộ hóa hệ thống chính sách tái thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương, trong đó tập trung đổi mới các chính sách về công nghiệp, năng lượng, đầu tư, xuất nhập khẩu cũng như các chính sách tài chính, tiền tệ; chính sách phát triển thị trường trong nước và chính sách hội nhập quốc tế về kinh tế.

Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài và khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập và phát triển kinh tế số.

Trong đó, ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển và nâng cấp chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu của các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị gia tăng nội địa.

Ngoài ra, ngành Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước thông qua việc hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa; xử lý cơ bản dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương...

Theo Hoàng Hà

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên