MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 thói quen có thể dẫn đến viêm loét, chảy máu dạ dày: Ai mắc cần phải bỏ ngay

24-05-2017 - 09:42 AM | Sống

Khi các bệnh lý liên quan tới dạ dày đang ngày càng trở nên phổ biến, nhiều người không khỏi lo lắng trước những tác hại của nhóm bệnh này đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Trên thực tế, bảo vệ dạ dày không phải là một việc khó khăn như chúng ta thường nghĩ. Chỉ cần từ bỏ 10 thói quan tiêu cực dưới đây, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc phải nhóm bệnh lý liên quan tới bộ phận này.

1. Làm việc quá sức

Bất kể bạn làm công việc gì, tình trạng quá tải trong một thời gian dài sẽ khiến bạn mệt mỏi quá sức. Điều này không chỉ làm giảm sức đề kháng của cơ thể mà còn làm suy yếu chức năng tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày .

Nếu tiếp tục duy trì tình trạng quá tải về khối lượng công việc trong một thời gian dài, chức năng bài tiết trong cơ thể bạn sẽ bị mất cân đối nghiêm trọng do lượng máu cung cấp không đủ, làm tăng lượng acid, gây suy giảm niêm dịch và làm tổn thương nghiêm trọng tới niêm mạc dạ dày.

Lượng công việc quá tải không chỉ ảnh hưởng tới tinh thần mà còn gây hại trực tiếp tới dạ dày của bạn. (Ảnh minh họa).
Lượng công việc quá tải không chỉ ảnh hưởng tới tinh thần mà còn gây hại trực tiếp tới dạ dày của bạn. (Ảnh minh họa).

2. Căng thẳng tinh thần

Tâm trạng và tinh thần là một trong những yếu tố có liên quan trực tiếp tới tình trạng sức khỏe của dạ dày.

Những trạng thái tinh thần tiêu cực như căng thẳng, buồn phiền hay tức giận đều sẽ ảnh hưởng đến chức năng bài tiết, vận động, tiêu hóa của cơ quan này. Đây cũng là lý do mà những người bị tổn thương tinh thần, trầm cảm, lo âu trong thời gian dài rất dễ mắc bệnh loét dạ dày .

3. Uống quá nhiều rượu

Với một liều lượng nhất định, việc uống rượu (nhất là rượu vang) sẽ mang lại một số công dụng đối với sức khỏe.

Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu lại là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Khi vượt quá liều lượng an toàn, cồn trong rượu sẽ gây hại cho gan, khiến da bị mất nước, giết chết tế bào não, tổn hại trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc dạ dày viêm, loét, thậm chí xuất huyết.

Chưa dừng lại ở đó, đối với người đang mắc các bệnh dạ dày, việc uống rượu còn làm chậm lại quá trình hồi phục và giảm tác dụng của công tác trị liệu.

Uống quá nhiều rượu không chỉ gây tác hại nặng nề với dạ dày nói riêng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới công năng của nhiều cơ quan khác. (Ảnh minh họa).
Uống quá nhiều rượu không chỉ gây tác hại nặng nề với dạ dày nói riêng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới công năng của nhiều cơ quan khác. (Ảnh minh họa).

4. Nghiện hút thuốc

Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho hệ hô hấp mà còn là tác nhân gây hại dạ dày.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, người hút thuốc quá nhiều có nguy cơ bệnh viêm dạ dày cao hơn nhiều so với người ít hoặc không hút thuốc.

Nguyên nhân là do nicotin có trong thuốc lá làm hại niêm mạc dạ dày như: thúc đẩy sự co thắt mạch máu, làm giảm sự cung cấp huyết dịch cho niêm mạc dạ dày; ức chế tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ sự phục hồi niêm mạc dạ dày; ảnh hưởng đến chức năng làm rỗng của dạ dày, dễ dẫn đến trào ngược dịch mật trong dạ dày mà các thành phần như bile salt có trong dịch mật lại gây tổn hại lớn cho niêm mạc dạ dày; thúc đẩy dạ dày bài tiết acid và pepsin ăn mòn niêm mạc dạ dày.

5. Lạm dụng thuốc

Rất nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Ví dụ, các thuốc chống viêm không steroid như phenylbutazone, ibuprofen, indomethacin, aspirin có tác dụng giảm nhờ ức chế tổng hợp prostaglandin có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, các loại thuốc nội tiết có chứa corticosteroid cũng thường gây viêm dạ dày, loét hoặc thủng dạ dày.

Vì thế, lúc sử dụng thuốc nên tuân theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, tốt nhất nên uống thuốc sau bữa ăn hoặc đồng thời uống thêm các loại thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày như sucralfat.

6. Ăn uống không đúng giờ

Vô số những áp lực từ cuộc sống có thể khiến bạn ăn uống thất thường, thậm chí quên ăn quên uống.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ăn vội khi quá đối hoặc ăn uống không đúng giờ là một trong những nguyên nhân gây hại tới dạ dày của bạn.

Trên thực tế, bản thân dạ dày là một cơ quan rất tuân thủ "thời gian biểu". Khi acid dạ dày và enzim có trong dịch vị không có thức ăn trung hòa, sẽ tự tiêu hóa chính niêm mạc dạ dày, gây hư hại niêm mạc dạ dày, đặc biệt là tại thời điểm dịch vị tiết ra ở mức nhiều nhất. Do đó, những người ăn uống không đúng giờ sẽ dễ mắc các căn bệnh về dạ dày.

Muốn bảo vệ dạ dày của mình, bạn nên hình thành thói quen ăn uống đúng giờ thay vì ăn muộn hoặc bỏ bữa. (Ảnh minh họa).
Muốn bảo vệ dạ dày của mình, bạn nên hình thành thói quen ăn uống đúng giờ thay vì ăn muộn hoặc bỏ bữa. (Ảnh minh họa).

7. Ăn quá nhiều

Cuộc sống hiện đại với quá nhiều công việc bận rộn, khiến nhiều người thường có thói quen ăn qua loa vào buổi trưa và ăn nhiều vào bữa tối, thậm chí còn ăn thêm bữa khuya.

Trong khi đó, theo các nhà khoa học, tỉ lệ phù hợp cho mỗi bữa ăn cụ thể là: bữa sáng chiếm 3 phần, bữa trưa 4 phần, bữa tối 3 phần.

Việc ăn tối quá no hoặc ăn đêm trước khi đi ngủ không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, tăng nguy cơ béo phì mà còn ép đường ruột của bạn làm việc quá tải, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá mức và ăn mòn niêm mạc. Nếu duy trì thói quen này quá lâu, nguy cơ mắc các bệnh như viêm loét dạ dày là rất cao.

8. Ăn quá nhanh

Khi bạn ăn quá nhanh, sẽ khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng và sẽ trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp.

Điều này sẽ làm hại niêm mạc dạ dày, ép cơ quan này phải "tăng ca", dẫn đến tần suất nhu động giảm. Vì vậy, bạn nên tạo cho mình thói quen ăn từ từ nhằm tăng sự tiết nước bọt, có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn.

9. Ăn uống thiếu vệ sinh

Việc ăn uống thiếu vệ sinh rất dễ khiến bạn mắc các căn bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn…

Trong số các nguyên nhân gây bệnh, vi khuẩn Helicobacter pylori được biết tới như "hung thủ" chủ yếu gây ra nhiều căn bệnh dạ dày mãn tính hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống.

Helicobacter pylori ký sinh trong niêm mạc dạ dày và tá tràng, gây viêm niêm mạc, dẫn đến các căn bệnh dạ dày. Loại vi khuẩn này cũng tồn tại trong khoang miệng và nước bọt của người mắc bệnh.

Do đó, giảm thiểu tối đa tần suất ăn chung, uống chung có thể làm giảm nguy cơ nhiễm loại vi khuẩn này. Điều này càng cần chú ý nếu trong nhà bạn có người mắc bệnh viêm loét dạ dày.

Trong cơn bão thực phẩm bẩn hiện nay, việc chú ý giữ vệ sinh an toàn thực phẩm là một yếu tố không thể thiếu để bảo vệ dạ dày. (Ảnh minh họa).
Trong cơn bão thực phẩm bẩn hiện nay, việc chú ý giữ vệ sinh an toàn thực phẩm là một yếu tố không thể thiếu để bảo vệ dạ dày. (Ảnh minh họa).

10. Dạ dày bị lạnh

Dạ dày là cơ quan rất nhạy cảm với khí hậu và nhiệt độ bên ngoài. Khi cơ thể chúng ta bị lạnh, dạ dày sẽ co thắt, gây ra các triệu chứng như đau dạ dày, khó tiêu, nôn, tiêu chảy… Khi ăn các thức ăn lạnh sẽ khiến cho các mạch máu trong dạ dày co lại làm giảm chức năng co bóp và tiết men tiêu hóa thức ăn.

Thông thường chúng ta chỉ chú ý giữ ấm vào đông mà không biết được ngay cả trong mùa hè, việc ăn uống đồ lạnh hoặc ngồi lâu dưới môi trường điều hòa cũng có thể khiến cho dạ dày bị lạnh và suy giảm công năng.

*Theo Sina Health

Theo Trần Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên