MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông "mặt quỷ", 15 năm ngủ ngồi

15-08-2020 - 21:46 PM | Sống

Sáng 15/8, ca phẫu thuật tái tạo khuôn mặt biến dạng cho anh Lê Văn Mến đã được các bác sĩ Sài Gòn thực hiện. Từng đường dao thực hiện trong sự căng não của toàn bộ ekip mổ.

Như đã thông tin, hôm nay (15/8) là ngày anh Lê Văn Mến (35 tuổi, quê An Giang), người mang khuôn mặt chảy xệ và biến dạng khủng khiếp như "mặt quỷ" suốt 15 năm trời được bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung cùng các cộng sự tiến hành phẫu thuật tìm lại cuộc đời.

10 tiếng căng não

Trước đó, anh Mến có một thời gian điều trị nội khoa, giúp gương mặt thu gọn đến 4cm.

Trước giờ diễn ra ca mổ vài tiếng, bác sĩ Tú Dung vẫn còn lo lắng. Ông nói chỉ ước mong ca phẫu thuật đầu tiên sẽ diễn ra một cách an toàn. Rồi bình yên sẽ đến, kỳ tích sẽ xuất hiện khi cả ekip đặt hết khối óc và trái tim vào từng đường dao, mũi chỉ.

10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông mặt quỷ, 15 năm ngủ ngồi - Ảnh 1.
10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông mặt quỷ, 15 năm ngủ ngồi - Ảnh 2.
10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông mặt quỷ, 15 năm ngủ ngồi - Ảnh 3.

Anh Mến trước giờ thực hiện cuộc mổ tìm lại cuộc đời.

"Trước khi phẫu thuật, chúng tôi đã tiến hành điều trị nội khoa gần 2 tháng giúp gương mặt Mến thon gọn hơn.

Đặc biệt là Mến không còn khó thở khi ngủ, không còn ngủ ngồi, thể trạng tốt cả về thể chất lẩn tinh thần trước khi phẫu thuật.

Lần phẫu thuật đầu tiên, chúng tôi kì vọng sẽ giải quyết gương mặt Mến thon gọn được 40%, nếu được chúng tôi sẽ sử dụng một phần cân cơ thái dương nối vào cơ vùng má để nâng môi" - bác sĩ Tú Dung nói.

6h sáng 15/8, ca phẫu thuật định mệnh bắt đầu.

Những đưởng mổ đầu tiên được phẫu thuật viên thực hiện rất chuẩn xác. Mọi người dặn dò nhau cẩn thận nhất có thể.

Vì vùng cơ hai bên má của bệnh nhân đều bị teo nhỏ gây không ít khó khăn cho quá trình phẫu thuật. Ngay từ bước bóc tách lớp mô vùng mặt, các bác sĩ đặc biệt tỉ mỉ trong từng thao tác để nối các mô cơ nâng đẩy vùng mặt, đồng thời cắt phần da dư nhão chùng.

10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông mặt quỷ, 15 năm ngủ ngồi - Ảnh 4.

Bệnh nhân được đẩy vào phòng mổ.

Vượt qua cửa ải 3 giờ đầu tiên, các bác sĩ đã hoàn thành việc nối mô cơ ở vùng mặt trọng yếu gồm các mô cơ bị teo nhỏ của anh Mến.

Tiếp theo, ekip điều trị sẽ phẫu thuật ở các vùng mặt khác của anh Mến. Dự kiến, ca mổ sẽ chính thức hoàn thành sau gần 10 tiếng đồng hồ.

Cần 4-5 lần phẫu thuật tái tạo khuôn mặt

"Mọi thứ như nghìn cân treo sợi tóc, chúng tôi phải dốc toàn bộ sự tập trung của mình vào từng công đoạn, từng đường mổ. Vì chỉ cần một chút sơ sót, Mến có thể bị ngưng đọng máu gây hoại tử vùng mặt" – Bác sĩ Tú Dung chia sẻ trước đó.

Cũng theo bác sĩ vì gương mặt bị biến dạng quá nặng, bệnh nhân không thể phẫu thuật một lần mà trải qua từ 4-5 lần phẫu thuật mới có thể cải thiện được 70%.

Một cái khó khác là toàn bộ thần kinh vùng mặt bị tổn thương, liệt hoàn toàn các cơ, vùng môi miệng niêm mạc phù nề nặng sẽ khó khăn cho gây mê.

10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông mặt quỷ, 15 năm ngủ ngồi - Ảnh 5.
10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông mặt quỷ, 15 năm ngủ ngồi - Ảnh 6.
10 tiếng căng não phẫu thuật tìm lại cuộc đời cho người đàn ông mặt quỷ, 15 năm ngủ ngồi - Ảnh 7.

Dù đã chuẩn bị kỹ nhưng ekip điều trị không khỏi hồi hộp. Các bác sĩ xem lại chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn lần cuối trước khi tiến hành phẫu thuật.

Sau mổ, cần khoảng 45 ngày để xác định được tình trạng ổn định của bệnh nhân.

Nếu mọi chuyện đúng theo kế hoạch thì sau 6-8 tuần sau lần mổ đầu tiên, anh Mến sẽ được tiến hành phẫu thuật lần thứ 2.

Tùy vào kết quả sau mỗi lần phẫu thuật mà bác sĩ có thể điều chỉnh phương pháp sao cho phù hợp để hướng đến mục tiêu cuối cùng là Mến có thể có gương mặt gần như bình thường.

Ngoài ra, bác sĩ cũng phải lấy mẫu mô gửi các trung tâm trong và ngoài nước để xác định căn bệnh này một lần nữa, cũng như cho thuốc điều trị để ngăn ngừa tình trạng tái phát.

Theo Hoàng Lê

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên