MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 tỉnh, thành có dân số lớn nhất Việt Nam

10 tỉnh, thành có dân số lớn nhất Việt Nam

Theo Niên giám thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2021 là 98,5 triệu người. Trong đó, địa phương có dân số trung bình lớn nhất đạt khoảng 9,17 triệu người.

Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,5 triệu người, tăng 923,5 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020. Trong đó, dân số thành thị 36,6 triệu người, chiếm 37,1%; dân số nông thôn 61,9 triệu người, chiếm 62,9%; nam 49,1 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 49,4 triệu người, chiếm 50,2%.

Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 20213 đạt 50,6 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2021 là 49,1 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi cả nước năm 2021 ước tính là 3,20%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,33%; khu vực nông thôn là 2,50%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,10%, trong đó tỷ lệ thiếu việc của lao động nam là 3,23%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nữ là 2,94%.

Năm 2021, địa phương đông dân nhất Việt Nam hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh với 9,17 triệu người, chiếm 9,3% dân số cả nước. Thành phố Hà Nội đứng thứ hai với 8,33 triệu người, chiếm 8,46% dân số cả nước. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dân số lớn nhất và cách biệt so với các tỉnh, thành còn lại của cả nước.

Địa phương có dân số đứng thứ 3 cả nước là Thanh Hóa. Cụ thể, dân số của Thanh Hóa là 3,72 triệu người, chiếm tỷ trọng 3,77% dân số cả nước.

10 tỉnh, thành có dân số lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Top 10 tỉnh, thành đông dân nhất Việt Nam. Nguồn: TCTK.

Ở vị trí thứ tư là Nghệ An với 3,41 triệu người, chiếm 3,46% dân số cả nước. Đồng Nai đứng ở vị trí thứ 5 với dân số trung bình đạt khoảng 3,17 triệu người, chiếm 3,22% tổng dân số Việt Nam.

Các địa phương còn lại lọt top 10 tỉnh, thành đông dân nhất Việt Nam là: Bình Dương (2,6 triệu người), Hải Phòng (2,07 triệu người), Hải Dương (1,94 triệu người), An Giang (1,92 triệu người), Đắk Lắk (1,91 triệu người).

Theo Niên giám thống kê, năm 2021, chỉ số phát triển con người đạt 0,726, cao hơn so với năm 2020 (0,706). Thu nhập bình quân đầu người một tháng ước tính đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020, trong đó khu vực thành thị đạt 5,4 triệu đồng, giảm 3,6%; khu vực nông thôn đạt 3,5 triệu đồng, tăng 0,1%.

Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 theo giá hiện hành so với năm trước của một số vùng trên cả nước đều giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng giảm 1,1%; vùng Đông Nam Bộ giảm 3,8%; vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 4,2%. Ở chiều ngược lại, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 3,4%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 2,6%; vùng Tây Nguyên tăng 1,4%.

Tuy nhiên, thu nhập giữa các vùng, các nhóm thu nhập có sự chênh lệch. Vùng Đông Nam Bộ có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất (đạt 5,79 triệu đồng), gấp 2,04 lần thu nhập bình quân đầu người thấp nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,84 triệu đồng).

Thu nhập bình quân đầu người một tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 9,2 triệu đồng, gấp 8,8 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất (1,15 triệu đồng). Chênh lệch thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong dân cư còn được thể hiện qua Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập hệ số GINI.

Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2021 là 0,374, thấp hơn GINI giai đoạn 2014-2018 ở mức 0,430 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn là 0,374 cao hơn mức 0,335 ở khu vực thành thị. Hai vùng có tỷ lệ nghèo cao là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao tương ứng là 0,428 và 0,418, vùng có hệ số GINI thấp nhất là Đông Nam Bộ (0,322).

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 (TCTK), dân số trung bình năm 2022 của Việt Nam ước tính 99,46 triệu người, tăng 955,5 nghìn người, tương đương tăng 0,97% so với năm 2021.

Năm 2022, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây, Tổng cục Thống kê cho biết.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên