MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Tổ chức đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động, tập trung vào 10 nhóm vấn đề gửi đến Thủ tướng Chính phủ tại chương trình đối thoại ngày 12/6 tới.

Chia sẻ về chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân, lao động ngày 12/6 tới, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn, các cơ quan báo chí công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động, tập trung vào 10 nhóm vấn đề.

10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao đổi với báo chí về chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và công nhân lao động. Ảnh: PV


Theo ông Ngọ Duy Hiểu, rất nhiều công nhân lao động đề nghị tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022; đồng thời mong lương được tăng nhiều hơn nữa. Ngoài lương thì vấn đề mà công nhân lao động bức thiết, quan tâm lớn nhất chính là vấn đề nhà ở, trường học và thiết chế cho công nhân.

Theo ông Hiểu, giải quyết tốt vấn đề nhà ở thì sẽ giải quyết nhiều vấn đề khác cho công nhân, như sức khoẻ, chăm sóc con… Để có nhiều nhà cho công nhân, theo ông Hiểu, cần tạo điều kiện cho nhiều chủ thể xây dựng nhà ở để cho thuê và bán cho công nhân. Người lao động rất cần nhà, nhiều chủ thể rất sẵn sàng nhưng cơ chế chính sách chưa cho phép.

"Mong Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động là diễn đàn để tháo gỡ các chính sách pháp luật liên quan đến nhà ở cho công nhân để có thêm nhiều nhà cho người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ quyết liệt theo đuổi chính sách nhà ở cho công nhân bằng những kiến nghị; tích cực phối hợp với các bộ ngành để đưa ra các đề xuất, mục tiêu là khơi thông nguồn lực để có nhiều chủ thể xây dựng nhà ở cho công nhân", ông Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, công nhân lao động mong muốn sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để họ gắn bó với bảo hiểm xã hội, khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

"Nhiều người lao động biết rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ không có lương hưu khi về già, nhưng họ khó khăn quá, đợi đóng bảo hiểm rất dài ngày, không biết khi nào nhận lương hưu", ông Hiểu nói.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thông tin, công nhân lao động đề nghị chỉ đạo đôn đốc giải quyết các chính sách cho người lao động: Một số đối tượng ở một số địa phương đến nay chưa được hưởng chính sách hỗ trợ do bị mắc COVID-19; hỗ trợ học sinh mầm non là con công nhân lao động trong khu công nghiệp theo Nghị định 105; hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ.

Công nhân cũng mong có chính sách tín dụng riêng, bởi nếu nếu có hệ thống tín dụng tốt cho công nhân thì sẽ khắc phục được nạn "tín dụng đen" hiện nay.

Công nhân còn phản ánh nhiều vấn đề khác: Đào tạo nghề; mong muốn có biện pháp xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật với người lao động (không ký hợp đồng lao động, nợ lương, bảo hiểm); về nơi khám chữa bệnh; an toàn thực phẩm; đảm bảo an toàn tại nơi ở, nơi làm việc, đi làm việc.

Theo ông Hiểu, Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động không chỉ thuần tuý giải quyết những vấn đề cụ thể, mà còn là để định hướng để hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công nhân lao động và tổ chức công đoàn; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; là dịp để lãnh đạo thấu hiểu hơn các vấn đề của công nhân lao động.

"Do vậy Thủ tướng có gửi gắm mong muốn tổ chức một chương trình thực sự thiết thực, giải quyết được những vấn đề nào mà quan tâm, bức xúc nhất; vấn đề nào giải quyết ngay thì sẽ phải giải quyết sớm. Thủ tướng cũng mong muốn, thông qua chương trình này, Thủ tướng có dịp gặp gỡ, cảm ơn nỗ lực của công nhân, công đoàn trong 2 năm bị tác động của dịch COVID-19 vừa qua; đồng thời truyền thông điệp để công nhân lao động cả nước tiếp tục cùng chung tay trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế", ông Hiểu nói.


Theo Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên