MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

12 lời khuyên giúp bạn tạm biệt mọi lo âu, căng thẳng “ăn mòn” bản thân: Thực hiên ngay để ngày mới không còn mệt mỏi, suy tư

12-06-2019 - 06:29 AM | Sống

Mỗi ngày, bạn đều mở mắt thức dậy với những lo âu và căng thẳng trên vai, khiến bạn chỉ muốn tiếp tục trùm chăn đi ngủ tiếp. Tuy nhiên, tình trạng đó sẽ chấm dứt với những thói quen lành mạnh sau.

Lo âu có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào, kể cả vào sáng sớm tinh mơ khi bạn vừa mở mắt. Và trước khi bạn nhận ra, bạn đã lo sợ về tương lai mình ngay khi ngày mới còn chưa bắt đầu. Theo bác sĩ tâm lý Mark W. Driscoll - người đang làm việc tại Đại học Northwestern, có rất nhiều lý do khiến cho bạn cảm thấy bồn chồn vào buổi sáng. Nếu không giải quyết vấn đề này sớm, bạn sẽ khó có thể làm việc hiệu quả.

May thay, bạn có thể sử dụng một vài kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả để đối đầu với cơn lo âu, căng thẳng của mình. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn thức dậy một cách sảng khoái nhất.

Trước khi đi ngủ

Sáng mở mắt ra đã thấy sợ hãi về tương lai phía trước: Bỏ túi ngay 12 lời khuyên này để tạm biệt mọi lo âu, căng thẳng đang “ăn mòn” bạn mỗi ngày - Ảnh 1.

Để điện thoại ở chế độ im lặng và khuất xa tầm mắt

Bạn có thể đọc cái thông báo, các tin nhắn trong nhóm chat vào sáng hôm sau. Chúng khiến não bạn quay cuồng, và vì thế, bạn càng khó nghỉ ngơi hơn. Thêm vào đó, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại có thể quấy rầy giấc ngủ của bạn, ngăn cản cơ thể tạo ra melatonin - loại hormone giúp điều tiết giấc ngủ. Nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra, ngủ không sâu có liên quan mật thiết với tình trạng căng thẳng. Vì thế, bạn nên để cơ thể lẫn điện thoại mình nghỉ ngơi đầy đủ.

Chuẩn bị sẵn quần áo cho hôm sau

Việc phải nghĩ ngợi mỗi sáng xem hôm nay mặc gì có thể khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức vì phải đưa ra quá nhiều quyết định. Việc mặc quần áo đi làm nghe thì đơn giản, nhưng thực sự cũng rất mệt mỏi đối với một số người. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy chuẩn bị quần áo từ tối hôm trước để không bị căng thẳng vào sáng hôm sau.

Dành thời gian để nghỉ ngơi

Thay vì nhảy vào giường nằm chợp mắt ngay sau khi hoàn thành công việc, hãy dành thời gian để làm giải trí. Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, điều này sẽ giúp cơ thể và não bộ được nghỉ ngơi. Việc nghỉ ngơi sẽ làm giảm hàm lượng cortisol trong cơ thể - hormone gây tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Vì vậy, để có một giấc ngủ ngon, hãy tập thiền, yoga hoặc một vài bài tập đơn giản khoảng 1 tiếng trước khi đi ngủ. 

Sáng mở mắt ra đã thấy sợ hãi về tương lai phía trước: Bỏ túi ngay 12 lời khuyên này để tạm biệt mọi lo âu, căng thẳng đang “ăn mòn” bạn mỗi ngày - Ảnh 2.

Thực hành một số bài tập tinh thần

Thay vì suy nghĩ về những vấn đề của ngày mai, hãy luyện tập một số bài tập rèn trí óc. Thậm chí, bạn có thể biến nó thành trò chơi: Kể tên tất cả các giống chó, nhớ lại tất cả các phòng trong nhà cũ. Điều này sẽ giúp bạn quên đi lo lắng và ngủ ngon hơn.

Nghĩ tới những điều tích cực trong ngày

Nếu bạn là người hay lo lắng, hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ về những điều tích cực để giảm bớt căng thẳng. Điều này sẽ giúp não bộ quên đi trạng thái buồn phiền và cảm thấy lạc quan hơn. Nếu những suy nghĩ tiêu cực cứ tiếp tục xuất hiện trong đầu bạn, đừng hoảng sợ: Hãy để chúng ở đó và tiếp tục nghĩ về những điều tuyệt vời.

Chơi một bản nhạc nhẹ nhàng

Các nhà nghiên cứu gợi ý bạn nên nghe bài hát Weightless của nhóm nhạc Anh quốc Marconi Union để cảm thấy thư thái, bởi nó được chứng minh là "bản nhạc dễ chịu nhất từ trước đến nay". Một số người tham gia nghiên cứu về tác dụng của bài hát cho biết, họ đã ngủ ngay sau khi nghe. Nếu nó không có tác dụng với bạn, hãy thay thế bằng một giai điệu mà bạn ưa thích.

Vào buổi sáng

Sáng mở mắt ra đã thấy sợ hãi về tương lai phía trước: Bỏ túi ngay 12 lời khuyên này để tạm biệt mọi lo âu, căng thẳng đang “ăn mòn” bạn mỗi ngày - Ảnh 3.

Mặc kệ điện thoại

Đừng vội đọc mail ngay sau khi tỉnh dậy. Điện thoại không chỉ khiến bạn căng thẳng trước khi đi ngủ mà còn vắt kiệt não bạn khi vừa thức giấc. Thay vì bắt tay vào việc ngay sau khi tỉnh dậy, hãy ngồi yên và tận hưởng một vài khoảnh khắc sáng sớm.

Thừa nhận rằng mình đang lo âu

"Khi bị căng thẳng, bạn thường nghĩ: ‘Chuyện này thật khó chịu. Tôi ghét cảm giác này. Tại sao nó không biến mất? Mình phải loại bỏ nó." Tuy nhiên, điều này chỉ khiến tình trạng thêm tồi tệ hơn," Driscoll nói.

"Chỉ khi bạn học cách chấp nhận sự lo lắng, bạn mới vượt qua được nó. Chấp nhận không có nghĩa là đồng ý hay thích thú với việc lo lắng. Hãy thử nói: "Đúng vậy, tôi đang cảm thấy lo lắng lúc này."

Dành thời gian cho bản thân

Không kiểm tra điện thoại vào buổi sáng sẽ giúp bạn có thêm thời gian để khởi đầu ngày mới một cách tuyệt vời hơn. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn tận dụng khoảng thời gian rảnh này, hãy dậy sớm thêm một chút để đọc sách, báo hoặc tập thiền. Điều này không chỉ có lợi cho não bộ mà còn giúp bạn bình tĩnh chuẩn bị sẵn sàng cho ngày mới mà không cần phải vội vàng.

Sáng mở mắt ra đã thấy sợ hãi về tương lai phía trước: Bỏ túi ngay 12 lời khuyên này để tạm biệt mọi lo âu, căng thẳng đang “ăn mòn” bạn mỗi ngày - Ảnh 4.

Thở

Thậm chí bạn còn chẳng phải ra khỏi giường để làm điều này. Thở là một phương pháp hữu hiệu để giảm thiểu lo lắng. Vì thế, hãy hít thật sâu trong 4 nhịp cho tới khi bụng và lồng ngực được lấp đầy không khí, sau đó thở ra trong 4 nhịp tương tự. Bạn có thể sử dụng phương pháp này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày để cảm thấy thư giãn.

Vận động cơ thể

Bạn không cần phải đến phòng tập để thực hiện các bài tập giảm stress. Bạn có thể đi dạo vài vòng quanh nhà hoặc tập yoga trong phòng khách theo video. Chỉ cần vận động cơ thể một chút vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn nhiều.

Hãy nhớ rằng lo lắng chỉ là một cảm xúc bình thường của con người

Đừng tự trách bản thân vì cảm thấy lo lắng. Discroll cho biết, sự lo lắng tồn tại là có lý do của nó. Vì thế, bạn không cần phải đổ hết lỗi lầm lên đầu mình.

Ngọc Hà

HuffPost

Trở lên trên