MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

14.000 cơ sở y tế được kết nối qua phương thức thuê dịch vụ CNTT

30-06-2016 - 15:08 PM | Xã hội

Sự kiện 14.000 cơ sở y tế cả nước chính thức kết nối toàn bộ việc giám định, thanh toán BHYT qua phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, không chỉ đem lại bước thay đổi căn bản trong phòng bệnh, khám chữa bệnh mà còn là thời điểm lịch sử của hai ngành y tế và CNTT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại hội nghị triển khai công tác phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2020, khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT, do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức sáng 29/6.

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, để bảo đảm tốt quyền lợi của 150 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT hằng năm, đồng thời quản lý chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm trong giám định, thanh toán chi phí BHYT hết sức quan trọng.

Từ năm 2015, BHXH Việt Nam đã phối hợp với doanh nghiệp CNTT thí điểm hệ thống kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh ở 4 tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện và xã tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hải Phòng. Qua triển khai thí điểm cho thấy việc tin học hóa trong quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT đem lại những hiệu quả rất lớn, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời; người bệnh giảm thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí...

Trên cơ sở kết quả thí điểm, BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án, kế hoạch trình Thủ tướng cho phép mở rộng kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Trong tháng 5 và tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã triển khai yêu cầu kết nối, tập trung dữ liệu tại Trung ương; cấp tài khoản và tập huấn kết nối, liên thông dữ liệu cho cán bộ của gần 13.000 cơ sở y tế; cung cấp phần mềm cho trên 3.000 trạm y tế để nhập dữ liệu, kê đơn thuốc và gửi dữ liệu trực tuyến lên hệ thống.

Đến nay các cơ sở KCB BHYT tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thử nghiệm kết nối vào hệ thống thông tin giám định BHYT. Đặc biệt, từ ngày 25/6 vừa qua, Cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam đã chính thức tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT từ các cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc…

Phòng bệnh, KCB sẽ có thay đổi căn bản

Cùng với lãnh đạo các bộ ngành nhấn nút khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là thời điểm lịch sử của ngành y tế và ngành CNTT.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua việc tin học hóa được làm rất tốt ở hệ thống ngân hàng, hải quan, thuế nhưng phần lớn các dịch vụ ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành lại tùy thuộc vào từng cơ sở nên mức độ còn khác nhau. Và đây là lần đầu tiên, phương thức thuê dịch vụ CNTT đã kết nối đồng bộ 14.000 đầu mối ở tất cả các cấp trên một nền tảng ứng dụng quản lý điều hành thống nhất.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc kết nối toàn bộ các cơ sở y tế trên toàn quốc mới chỉ là bước đầu, tiếp đó phải vận hành hệ thống an toàn, liên tục cập nhật danh mục kỹ thuật, dịch vụ y tế, danh mục thuốc bảo đảm công tác giám định, thanh toán BHYT thông suốt.

Phó Thủ tướng đề nghị toàn bộ hệ thống bệnh viện (BV) phải tiếp tục tin học hóa tiến tới quản lý hoạt động như doanh nghiệp, phục vụ công tác điều hành của ngành y tế.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam cần tiếp tục triển khai gói thuê dịch vụ quản lý bằng tin học cơ bản ở tất cả các cơ sở KCB có sự kết nối, liên thông tương tự như cơ chế giám định, thanh toán BHYT tự động. Trên cơ sở này, những BV có quy mô lớn sẽ có thêm những gói dịch vụ bổ sung dựa trên nhu cầu quản trị của đơn vị nhưng bảo đảm kết nối được với tất cả những BV khác.

Từ đó, BHYT sẽ có đầy đủ các số liệu, phân tích xu hướng bệnh tật ở từng nơi, từng vùng và rất nhiều thông tin khác phục vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Ở mức độ cao hơn, việc ứng dụng CNTT trong KCB tại các cơ sở y tế có liên thông sẽ cho phép công nhận kết quả xét nghiệm cận lâm sàng giữa các BV khác nhau giúp người bệnh giảm tốn kém thời gian, chi phí, công sức.

“Chưa nói tới tốn kém, chỉ cần chuyển từ BV này sang BV kia trong 2 ngày, chụp chiếu, xét nghiệm 2 lần đã ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như thế nào. Vì vậy, kết nối liên thông tất cả các BV có ý nghĩa rất lớn, một khởi đầu hết sức quan trọng, sẽ đem lại bước thay đổi căn bản trong phòng bệnh và KCB”, Phó Thủ tướng khẳng định.


Hình ảnh tại lễ khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT. Ảnh: VGP/Đình Nam

Hình ảnh tại lễ khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT. Ảnh: VGP/Đình Nam

Người mua BHYT là khách hàng đặc biệt

Dành thời gian trao đổi với các đại biểu dự hội nghị về định hướng phát triển BHYT, BHXH trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Một đất nước tiến bộ cần có hệ thống an sinh xã hội vững chắc, trước hết là hệ thống BHXH vững chắc và muốn BHXH vững chắc thì toàn dân phải tham gia bảo hiểm, trong đó có BHYT”.

Hiện tỉ lệ tham gia BHYT năm 2015 là 76,5% dân số, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giao. Trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng đã có khoảng 78% dân số tham gia BHYT, vượt 0,3% so với chỉ tiêu đề ra.

Ngay trong tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và quyết định điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, nâng cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 80%. Đây cũng là quyết tâm chính trị vì dân rất lớn của Chính phủ, đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Muốn đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cả hệ thống cần phải tăng tốc thật quyết liệt hơn nữa trong 5 năm tới. Với điều kiện, đặc thù, khó khăn khác nhau, cấp ủy, chính quyền của mỗi tỉnh, thành phố phải có các biện pháp cụ thể, dành nguồn ngân sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia; mặt khác phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động, mở rộng đối tượng tham gia, nhất là tập trung tuyên truyền vào các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ rõ trách nhiệm phát triển BHYT chủ yếu là thuộc về BHXH Việt Nam. Cơ quan này cần sử dụng mọi cơ chế để phát triển, mở rộng người mua BHYT.

“Người mua BHYT là dạng khách hàng đặc biệt nên các quy định về mặt hành chính thực sự không cần thiết trong BHYT cần và phải được bãi bỏ. Không thể có chuyện người muốn mua BHYT bị yêu cầu phải trình đủ mọi thứ giấy tờ”, Phó Thủ tướng nói.

Trách nhiệm của BV và ngành y tế là phải nâng cao chất lượng KCB BHYT. Trực tiếp nhiều lần khảo sát hoạt động KCB BHYT tại BV Bạch Mai, Việt Đức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét dù đã có tiến bộ song vẫn còn sự phân biệt giữa khám BHYT và khám tự nguyện, người bệnh khám BHYT vẫn phải chờ đợi nhiều hơn.

“Chúng ta dần dần phải tiến bộ hơn, để người dân tin tưởng thì họ mới tham gia BHYT. Bởi với người dân thuyết phục thế nào cũng không bằng thực tế họ nhìn thấy”.

Phó Thủ tướng khẳng định nếu đạt tỉ lệ 100% người dân tham gia BHYT sẽ góp phần nâng cao chất lượng KCB và đổi mới căn bản công tác tài chính, kinh tế của ngành y tế. Từ đó, tiến tới đổi mới hệ thống KCB, phòng bệnh không theo hướng Nhà nước bao cấp rót tiền cho các BV như lâu nay mà các BV phải cạnh tranh nhau về chất lượng để thu hút người bệnh.

“Khi liên thông BHYT, người dân có quyền chọn các BV tốt, các cơ sở khám chữa bệnh tốt và chi trả bằng BHYT, hạn chế phải bỏ tiền túi của mình ra khi đi KCB. Lúc đó chúng ta mới đổi mới căn bản, khắc phục căn bản những vấn đề hiện nay mà xã hội, chính ngành y tế chưa hài lòng trong công tác KCB”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Đình Nam

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên