16 ngày tìm mua nhà cũ cho người mẹ đơn thân
Tôi đi tìm mua một căn nhà cũ giúp hai mẹ con trong 16 ngày, không lấy phí môi giới. Bữa tiệc tân gia, chị ấy khóc.
Chị Minh là một người mẹ đơn thân. Tôi gặp chị cách đây hơn 4 năm trước tại TP HCM, khi hai mẹ con đang tìm mua một ngôi nhà cũ trong hẻm sâu ở một địa phương vùng ven.
Lần đầu tiên đi mua nhà, chị cùng cô con gái, bước xuống nơi hẹn từ chiếc taxi nhỏ 4 chỗ, mặc bộ vest màu gụ và tay đeo bộ kiềng vàng. Trong cuộc gặp với người bán để thương lượng, chị Minh nêu ra nhiều điểm không hài lòng và nhiều yêu cầu cần sửa chữa ngôi nhà – một cách để thêm lợi thế hạ giá. Chủ nhà kiên định với mức giá trên 500 triệu đồng. Việc đàm phán thất bại. Những “chiến thuật tâm lý” không giúp chị có được mức giá mong muốn.
Trên góc nhìn của tôi, hình ảnh của chị Minh cho thấy nhiều điều. Chị mặc và chỉnh trang bộ vest trịnh trọng như cách những người phụ nữ xưa diện áo dài nhung trong dịp quan trọng. Những câu từ trao đổi và yêu cầu được nói ra ít tự nhiên. Rõ ràng, chị chưa quen với những chỉ dẫn của ai đó "mách nước" khi đi mua bán bất động sản.
Hình ảnh hai mẹ con như một đại diện cho mong muốn sở hữu nhà của những người không có kinh tế dư dả. Họ làm tôi cứ nghĩ mãi. Tôi nghĩ về giấc mơ mua nhà của họ. Và trong suốt 16 ngày sau đó, tôi đi hết các hang cùng ngõ hẻm để tìm cho ra một căn nhà phù hợp với yêu cầu của họ, đảm bảo mức giá bán có lợi hơn.
Vị trí và căn nhà hợp lý. Chị Minh mua. Mức giá được thanh toán là 476 triệu đồng, tôi cắt toàn bộ phí môi giới.
Hôm tiệc tân gia, tôi được mời tới tham dự. Nói là tiệc nhưng khách chỉ có 6 người, bao gồm cả 2 mẹ con họ. Lúc thắp nhang cúng gia tiên, chị ấy khóc, khóc to như một đứa trẻ. Chị nói đã phiêu bạt 23 năm, cùng con mình ở trọ khắp nơi, ở nhờ nhà người quen, đến gần cuối đời cũng có được một chốn dung thân.
Người ít tiền có giấc mơ sở hữu một căn nhà. Ảnh minh họa: Dũng Nguyễn
Câu chuyện về chị Minh chỉ là một trong nhiều trường hợp qua nhiều năm làm nghề môi giới, khiến tôi nhận ra người ít tiền khó phục vụ hơn người giàu rất nhiều, nhưng giúp họ tìm được ngôi nhà luôn mang lại cảm giác hạnh phúc.
Cùng mua một căn nhà, người giàu đưa ra yêu cầu vì muốn tối đa lợi nhuận. Người ít tiền muốn tối đa công sức. Người giàu chi cho những thứ mình muốn. Người ít tiền chi cho những thứ mình cần và muốn tối ưu số tiền bỏ ra. Điều này xuất phát từ việc họ phải tích lũy cả đời, có khi là “hai đời” để có thể sở hữu một bất động sản. Vì thế, các yêu cầu và mong muốn của họ nhiều và đôi lúc phi lý. Nhưng hãy kiên nhẫn hơn với họ.
Họ không tham. Chỉ là họ tiếc. Tư duy của người giàu và người ít tiền khi mua hàng có sự khác biệt rất lớn. Người giàu nhìn thấy mình sắp có được thứ mình muốn. Người ít tiền thấy sắp mất một số tiền. Có thể chúng ta nghĩ họ cần thay đổi tư duy, nâng cao năng lực để giàu lên. Nhưng không phải mọi nỗ lực đều có được kết quả như ý muốn, thiên bẩm cũng là một phần quan trọng. Nếu tất cả cố gắng đều thành công, những người yêu ca hát đều có thể làm ca sĩ nổi tiếng.
Những người ít tiền, đôi khi họ rất mặc cảm và làm mọi cách để người ta không biết mình nghèo. Hãy đồng cảm. Không vạch trần cũng không đánh giá họ. Thế giới quan của mỗi người được hình thành bởi môi trường sống và những người ta tiếp xúc. Có lẽ do gặp nhiều cảnh đời nên tôi vẫn luôn có một sự kiên nhẫn nhất định và yêu thích đặc biệt với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Tôi tìm thấy niềm vui trong những câu chuyện khi làm nghề, dù đôi khi không mang lại tiền.
*Câu chuyện là lời kể của một môi giới bất động sản có gần chục năm làm việc tại TP HCM, Lâm Đồng...
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Người đồng hành