MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 yếu tố nào có khả năng làm giảm tăng trưởng Việt Nam trong thời kỳ tới?

Các chuyên gia từ Công ty chứng khoán SSI cho rằng với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng như Việt Nam, việc tăng trưởng chậm do bị ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế cũng là điều dễ hiểu.

Phân tích của SSI cho thấy mức tăng trưởng thấp của quý 1 năm 2019 xuất phát từ hai lý do chính. Thứ nhất là thị trường Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu. Thứ hai là Samsung đang giảm sản lượng sản xuất điện thoại. 

2 yếu tố nào có khả năng làm giảm tăng trưởng Việt Nam trong thời kỳ tới? - Ảnh 1.

Thị trường Trung Quốc ngày càng thu hẹp do các rào cản chính trị, cùng với tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu nông sản (gạo và rau) cũng như ngành du lịch Việt Nam. Dự báo cho các quý sắp tới, SSI cho biết nông nghiệp và du lịch có thể sẽ tăng trưởng chậm, vì rất khó có thể nhanh chóng tìm được thị trường thay thế cho Trung Quốc.

Đồng thời, Samsung đã giảm sản lượng sản xuất điện thoại do những thay đổi trong chiến lược sản xuất cũng như biến động từ thị trường điện thoại di động trên thế giới. Mặt hàng điện thoại sẽ tiếp tục giảm tăng trưởng mà không có đột phá mới trong các sản phẩm hoặc dự án. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ không tạo ra tăng trưởng đột biến trong nửa cuối năm 2019. Tăng trưởng ở công nghiệp khai thác sẽ thấp hoặc âm. SSI cho rằng chỉ có thể hy vọng lớn nhất vào ngành công nghiệp kim loại, ô tô, dệt may, giày dép và đồ nội thất. 

2 yếu tố nào có khả năng làm giảm tăng trưởng Việt Nam trong thời kỳ tới? - Ảnh 2.

"Do đó, việc tăng trưởng thấp sẽ không chỉ dừng lại trong quý đầu tiên, mà có thể tiếp tục cho đến cuối năm nay", chuyên gia của SSI cho biết.

Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng như Việt Nam, khi thế giới không thuận lợi, tăng trưởng chậm cũng là điều dễ hiểu. Để giải quyết vấn đề này, cần phải tiếp cận theo hai hướng. Hướng thứ nhất, khi thị trường bên ngoài không thuận lợi, cần tập trung vào thị trường trong nước và thứ hai là cần tận dụng tối đa các cơ hội và nỗ lực phát triển các thị trường thay thế.

Cụ thể, theo phân tích của SSI, nguồn lực nội tại của Việt Nam là các chính sách tài chính và tiền tệ. Trong một thời gian dài, chính sách tiền tệ luôn được sử dụng đầu tiên khi tăng trưởng chậm lại và điều này cũng là một phần nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong 10 năm qua. 

SSI nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ phải nhất quán, tăng trưởng tín dụng phải ở mức vừa phải (12-14%) để duy trì thanh khoản và giảm lãi suất. Chính sách tài khóa, mặt khác, cần phải được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là khi vẫn còn một lượng lớn tiền tồn đọng và tiền thu được từ chuyển nhượng các doanh nghiệp nhà nước. 

Báo cáo của SSI khuyến nghị, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng là cách khả thi và hiệu quả nhất để chính phủ kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn và tạo cơ sở cho tăng trưởng trong tương lai (với điều kiện là sự minh bạch đầu tư được đảm bảo công khai). Trong khi đó, nguồn lực của khu vực tư nhân (doanh nghiệp tư nhân và nhu cầu của người tiêu dùng) cần phải được chú trọng. Sự phát triển của nền kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 10 là một bước đi đúng đắn và phù hợp với quy luật lịch sử.

Về cầu tiêu dùng, vẫn có cách để kích cầu ngay cả khi không mở rộng tiền tệ. Các chuyên gia của SSI tin rằng các hiệp định thương mại cần phải được xem xét lại. Các quốc gia và khu vực có cùng tốc độ phát triển như Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ. Nên ưu tiên các thị trường phát triển và có danh mục sản phẩm ít trùng lặp hơn để tránh áp lực cạnh tranh với sản xuất trong nước. 

Việt Nam cũng cần tận dụng các cơ hội chủ yếu nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các dự án quy mô lớn hơn, để biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tạo ra sức mạnh tỏa ra nền kinh tế.

Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu nên được coi là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, bởi vì cuối cùng, để có sự tăng trưởng cao và bền vững thì cần phải đa phương hóa thương mại. Để đạt được mục tiêu này, cần sự đóng góp của toàn bộ hệ thống chính trị và doanh nghiệp để phát triển các chiến lược phù hợp cho mọi ngành công nghiệp và mọi sản phẩm. 

"Nếu Việt Nam có tăng trưởng chậm trong năm 2019 thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tăng trưởng chậm là cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế và nhìn lại các chính sách được áp dụng thay vì vội vàng rồi gây ra hậu quả khó lường", SSI nhận định. Theo đó, năm 2019 vẫn nên được xem là một năm tích lũy, xem xét và củng cố các nguồn lực nội bộ, tạo ra một bàn đạp để tăng tốc trong những năm tới.

Trang Thái

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên