20 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán nắm giữ lượng tiền 400.000 tỷ, phần lớn gửi ngân hàng lấy lãi
20 doanh nghiệp trên sàn nắm giữ lượng tiền 400.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn hoặc trung hạn. Nhiều dự báo cho thấy lãi suất năm 2022 sẽ tăng trở lại đây sẽ là thiên thời với nhóm doanh nghiệp có lượng tiền lớn. Thực tế các ngân hàng chi trả lãi cao nhất với các khoản tiền gửi lớn nhắm tới giới doanh nghiệp.
20 doanh nghiệp trên sàn nắm giữ lượng tiền 400.000 tỷ
Thống kê ngày 31/12/2021 ghi nhận, có 20 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền trên 10.000 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, các khoản tương đương tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Tổng số tiền, tương đương tiền của 20 doanh nghiệp này vượt 400.000 tỷ đồng.
Hoà Phát là doanh nghiệp giữ vị trí quán quân trong cuộc đua tiền mặt này với hơn 40.700 tỷ đồng gồm tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Ngành thép gặp thiên thời đã khiến Hoà Phát gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ, soán ngôi vua tiền mặt số 1 sàn chứng khoán.
Vị trí số hai thuộc về Vingroup với khoảng 26.400 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác có lượng tiền mặt lớn hơn 1 tỷ USD bao gồm ACV, GAS, FPT và Vinamilk. Như vậy, từ con số 3 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền hơn 1 tỷ USD năm 2020, đã có 6 doanh nghiệp góp mặt vào danh sách này năm 2021.
Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp có lượng tiền mặt tăng mạnh nhất năm vừa qua, với mức tăng gần 19.000 tỷ đồng. Kế tiếp đó là Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang với lượng tiền tăng 14.400 tỷ đồng, đạt gần 1 tỷ USD.
Một số doanh nghiệp khác có lượng tiền tăng khá mạnh trong năm qua đó là Masan Consumer Holdings, FPT, Gelex tăng hơn 9.000 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền lớn nhất sàn chứng khoán. Đơn vị (tỷ đồng)
Nhìn chung, các doanh nghiệp hầu như chỉ để một lượng nhỏ tiền mặt trong tài khoản, còn lại đem gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) hoặc kỳ hạn trung bình (3-12 tháng).
Hầu hết các doanh nghiệp đều mang tiền gửi ngân hàng. Đây có thể là các khoản tiền phục vụ vốn lưu động, sản xuất kinh doanh nhưng trong thời gian chưa dùng đến gửi tạm ngân hàng lấy lãi. Tuy vậy, trong danh sách này có nhiều doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính đạt lợi nhuận tốt tích luỹ hàng năm để đạt được lượng tiền "khổng lồ" này như Hoà Phát, FPT, ACV, VEAM, GAS...
Trong các doanh nghiệp nêu trên, một số trường hợp có quan hệ mẹ - con, như FPT Telecom là công ty con của FPT; Masan Consumer (MCH) là con của Masan. Do đó, những thay đổi về lượng tiền của các công ty con sẽ khiến lượng tiền công ty mẹ biến động theo.
Nhiều nhà băng trả lãi tiền gửi cao nhất cho các khoản tiền gửi lớn
Với các doanh nghiệp có lượng tiền mặt cao gửi ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất được nhiều tổ chức nhận định đã tạo đáy năm 2021 và sẽ bật tăng trở lại từ năm 2022 sẽ gặp "thiên thời" tức rất được lợi trong sóng tăng lãi suất.
Thực tế, mức lãi suất tháng 3 của các nhà băng Việt đã tạo mặt bằng mới, nhích tăng với các khoản tiền gửi lớn nhắm tới đối tượng khách hàng là giới doanh nghiệp.
Khảo sát tại hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước tháng 3 cho thấy, một số ngân hàng đẩy lãi suất tiết kiệm lên khá cao, song chỉ dành cho các khoản tiền gửi lớn, với kỳ hạn dài. Trong đó, SCB là ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất với mức 7,6%/năm tại quầy nhưng với điều kiện, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Techcombank và ACB cũng tham gia cuộc đua lãi suất với các khoản tiền gửi lớn nhắm đến giới doanh nghiệp. Techcombank huy động lãi suất tiết kiệm ở mức 7,1%/năm áp dụng cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và cam kết không được tất toán trước hạn. Còn ACB cũng huy động lãi suất tiết kiệm ở mức 7,1%/năm nhưng yêu cầu khách hàng có số tiền gửi từ 100 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Mức lãi suất huy động 7,0%/năm cũng được nhiều ngân hàng áp dụng hơn so với tháng trước. Chẳng hạn, MSB huy động lãi suất tiết kiệm 7%/năm với điều kiện số tiền gửi 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Còn tại SCB, nếu khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài 12-24 tháng cũng có cơ hội nhận lãi suất 7%/năm.
Nhiều ngân hàng cũng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất dưới 7%, như LienVietpostbank là 6,99%/năm; MBbank và VietABank có cùng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,9%/năm; HDBank là 6,85%/năm; BacABank là 6,8%/năm...
Số liệu thống kê cho thấy, mặt bằng lãi suất của Việt Nam trong năm 2021 đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Do đó, các chuyên gia nhận định, lãi suất năm 2022 có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn tín dụng tăng để phục vụ sản xuất sau đại dịch.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam sau hai tháng đầu năm đạt 1,68%, tương đối thấp so với các năm gần đây. Song thời gian tới, áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu, sẽ khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, duy trì mức lãi suất thực dương để hút lượng tiền từ thị trường.
BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25-0,5 điểm %), nhất là vào nửa cuối năm 2022.
Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng dự báo, lãi suất huy động trong năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %. Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát cộng thêm sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa chính thức thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm %, lên quanh mức 0,25 - 0,5%; đồng thời phát tín hiệu có thể thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ đây đến cuối năm 2022. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất kể từ năm 2018, do lo ngại lạm phát tăng cao kỷ lục.
Tại đại hội cổ đông mới đây, trả lời câu hỏi của cổ đông khi đánh giá tác động của việc Fed tăng lãi suất đến lợi nhuận ngân hàng, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho rằng, về cơ bản điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn trên thị trường quốc tế. Hiện VIB là một trong số các ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn quốc tế, với mức lãi suất được cho là hấp dẫn hơn và ổn định hơn so với thị trường tiền gửi dân cư trong nước.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực về chi phí vốn cũng đang đè lên một số ngân hàng khi lãi suất huy động trên thị trường đang có dấu hiệu tăng.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, SSI cho rằng mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.
ACBS ước tính lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2022 và tối đa là 0,5 điểm %.
Nhịp sống kinh tế