200 tấn cá chết ở Hồ Tây: Không thấy độc tố trong các mẫu xét nghiệm
“Cho đến thời điểm này, thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo không có độc tố ở mang cá, máu cá hay ruột cá. Tuy nhiên, khi nào có kết quả chính thức sẽ công bố”, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói.
- 15-10-2016Điểm mặt loạt cống xả thải làm chao đảo Hồ Tây
- 10-10-2016'Giải cứu' Hồ Tây
- 06-10-2016Cá chết ở Hồ Tây do "quản lý chưa tốt"
Chưa rõ nguyên nhân
Tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 1/11, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời nhiều câu hỏi về nguyên nhân cá chết ở hồ Tây hồi đầu tháng 10/2016. Theo ông Dục, thành phố đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra nguyên nhân. Ông Dục cho biết Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, quận Tây Hồ đã báo cáo UBND thành phố và Thành ủy về vấn đề này. Báo chí cũng thông tin về tình trạng thiếu oxy hòa tan trong nước hồ Tây những ngày có cá chết. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến các yếu tố hữu cơ, nitrat, amoniac… Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo. Khi nào có thông tin, cơ quan chức năng sẽ thông báo, công bố kết quả”, ông Dục nói.
Ông Dục bày tỏ, có thông tin khiến ông cũng giật mình. “Có tảo sinh khối ở hồ Tây, khi xanh, khi đỏ. Thực ra, tảo trong một ngày phát triển nhanh, sinh khối tảo tiêu hao về ô xy khủng khiếp”, ông Dục nói. Cũng theo ông Dục, đến thời điểm này, theo thông tin ban đầu ông nhận được thì không tìm thấy độc tố ở các mẫu cá xét nghiệm. “Thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo không có độc tố gì ở mang cá, máu cá hay ruột cá, nhưng khi nào có kết quả thì công bố”, ông Dục nói.
Liên quan tình trạng cá chết ở hồ Linh Đàm ngày 27/10, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, số cá chết không nhiều, thu gom được khoảng 200kg, có biên bản bàn giao. Nói về nguyên nhân ông Dục cho biết, với một hồ rộng 73 ha như Linh Đàm, một ngày trở trời, chết 2 tạ cá là bình thường. “Ô nhiễm ở khu vực này cũng có nhưng không đến mức như các hồ khác”, ông Dục nói.
Quản lý chặt việc xả thải xuống hồ Tây
Liên quan việc xả thải xuống hồ Tây và dự án thu gom, xử lý nước thải trị giá nghìn tỷ đồng, ông Dục cho biết, thành phố đã giao cho Cty Phú Điền theo hình thức BT. “Hiện nay công suất hơn 10 nghìn mét khối một ngày đêm cộng với hệ thống thu gom do quận thu nhận và ký hợp đồng với Phú Điền. Thành phố đã giao Sở Xây dựng và Cty Thoát nước phối hợp với Phú Điền cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu, chỉ đạo làm ngay giai đoạn 2 để thu gom tất cả nước thải”, ông Dục nói.
Cùng với đó, ông Dục cho biết, sẽ kiểm tra, rà soát tất cả những điểm xả thải xuống hồ Tây. “Đơn vị nào không đảm bảo, vi phạm về xả thải thì phải xử lý. Thành ủy, thành phố chỉ đạo rất chặt chẽ. Các điểm xả của các hệ thống thoát nước, ví dụ các điểm phía bắc, phía tây, tây nam, toàn bộ 27 cửa xả đều sẽ kiểm tra gắt gao”, ông Dục nói.
Theo ông Dục, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cải tạo hơn hai chục hồ ở Hà Nội theo các phương án dùng ngân sách, ODA, BOT, BT và xã hội hóa toàn diện, vừa cải tạo, vừa vận hành, đỡ tốn chi phí. “Nếu hồ không thực hiện được việc bơm hết nước để nạo vét tận đáy thì rà soát, khảo sát theo yêu cầu của thành phố và dùng phương pháp hiện đại như tàu hút”, ông Dục nói. Theo ông Lê Văn Dục, với nhiều hồ ở Hà Nội, bùn dưới đáy hồ dày cả vài mét và là nguyên nhân gây ô nhiễm. “Bùn nằm dưới đáy lưu cữu, là ni tơ. Tất cả các hồ phải nạo hết số bùn đó đi. Có những hồ phải đào đến 2m. Như hồ Thiền Quang, hồ Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh… chúng tôi phải đào đến tận đất thịt”, ông Dục nói.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, với nhiều hồ ở Hà Nội, bùn dưới đáy hồ dày cả vài mét và là nguyên nhân gây ô nhiễm. “Bùn nằm dưới đáy lưu cữu, là ni tơ. Tất cả các hồ phải nạo hết số bùn đó đi. Có những hồ phải đào đến 2m. Như hồ Thiền Quang, hồ Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh… chúng tôi phải đào đến tận đất thịt”, ông Dục nói.
Tiền phong