MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2018: Giá xăng dầu tác động tới CPI là không đáng lo ngại

Từ đầu năm 2018 giá xăng dầu có một số điều chỉnh, đã tác động một phần tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1. Trong năm 2018, dự báo giá dầu thô thế giới có khả năng tăng nhẹ, điều này có thể tác động tới CPI cũng như tới nền kinh tế, song theo các chuyên gia, tác động đó là không đáng lo ngại. Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu ý tới những diễn biến của CPI để chỉ số này trong vòng kiểm soát.

Xăng dầu tăng góp phần thúc CPI tăng

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2018 tăng 0,51% so với tháng 12/2017. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2018 là thời điểm giáp tết Nguyên đán Mậu Tuất nên nhu cầu tiêu dùng của người dân và các doanh nghiệp, các cơ quan tăng hơn các tháng trước. Trong số nhiều nguyên nhân đẩy giá CPI tăng có nguyên nhân chủ yếu từ nhóm hàng hóa giao thông, thuốc và dịch vụ y tế. Trong đó, đóng góp vào mức tăng của nhóm giao thông có nguyên nhân từ việc giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt góp phần đẩy CPI chung tăng 0,11% và giá vé tàu hỏa tăng 6,54% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé vào dịp cuối năm. Cụ thể, trong tháng 1/2018, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 4/1/2018 và ngày 19/1/2018 đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 1/2018 tăng 2,65% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,11%. “Lạm phát chung có mức tăng cao hơn cơ bản đang phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường tăng cao thông qua điều chỉnh giá loạt mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế...", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Đánh giá về chỉ số CPI tháng 1, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, con số này đang có xu hướng tăng tương đối rõ. Chỉ số CPI của cùng thời điểm năm 2017 thấp hơn nhiều so với năm nay. Đây là điều mà chúng ta cần phải lưu ý trong diễn biến kinh tế thời gian tới.

Theo Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1/2018 đã tăng 0,51%. Đây là một mức tăng tương đối cao. Một trong những nguyên nhân chính, theo Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, bên cạnh lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, việc giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá thế giới cũng làm nhóm giao thông tăng 1,17% gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá nói chung. Điều này sẽ gây khó khăn cho các tháng tiếp theo trong việc kiểm soát lạm phát.

Có lẽ chính vì lý do này, trong phiên điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của tháng 2/2018, nhằm điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI, góp phần hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, ổn định tâm lý tiêu dùng, góp phần giúp cho người dân đón Tết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá tất cả các mặt hàng xăng dầu. Để giữ nguyên giá xăng dầu, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu của từng mặt hàng có sự thay đổi, như xăng E5 RON92 là 1.141 đồng/lít, trong khi kỳ trước chi sử dụng 857 đồng/lít, xăng RON95 là 400 đồng/lít, diesel là 678 đồng/lít trong khi kỳ trước chi sử dụng 400 đồng/lít…

CPI 2018 có thể cao hơn 2017?

Trước đó, vào cuối tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo tình hình biến động giá xăng dầu trong thời gian gần đây. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo tình hình biến động giá xăng dầu trong thời gian gần đây, sự chênh lệch giá giữa các mặt hàng xăng dầu và nguyên nhân, các chính sách thuế, phí liên quan đến xăng dầu và hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tác động, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống…, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất định hướng và giải pháp phù hợp.

Trên thực tế, sự thay đổi về giá của xăng dầu sẽ kéo theo sự biến động nhất định trong giá cả của các mặt hàng khác, dẫn tới thay đổi chỉ số giá tiêu dùng. Theo các chuyên gia, xét về mặt lý thuyết, khi giá xăng dầu biến động thì mức độ tác động trực tiếp đến CPI là không quá lớn. Tuy nhiên, xăng dầu là yếu tố phản ánh chi phí đầu vào của rất nhiều sản phẩm khác trong “rổ” hàng hóa tính CPI, bởi vậy, từ trước đến nay, việc điều chỉnh giá xăng dầu luôn được coi là yếu tố sẽ tác động đến CPI, đặc biệt là theo chiều hướng tăng. Trong năm 2018, thị trường xăng dầu thế giới được dự đoán sẽ nối tiếp xu hướng tăng năm 2017, tuy nhiên đà tăng theo dự báo sẽ không mạnh. Các tổ chức quốc tế dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 50-55 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước theo đó dự báo sẽ tăng khoảng 5-15% và sẽ tác động đến CPI chung khoảng 0,28-0,64%.

Bình luận về diễn biến CPI cũng như những tác động của giá xăng dầu đến kinh tế nói chung, CPI nói riêng, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), CPI tháng 1 và 2 tăng cao là điều bình thường, không quá lo ngại, và lạm phát chung của năm 2018 vẫn sẽ trong vòng kiểm soát. Dự báo giá xăng dầu tăng hay giảm như thế nào trong năm là hơi khó, chỉ là tương đối và không ai có thể nói trước được. Giá dầu hiện đang ở mức trung bình 60 USD/thùng và có thể xuống 50 USD/thùng, như sự giảm xuống của thị trường chứng khoán. Chưa kể, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại thì giá dầu có thể lao dốc. Trong điều kiện giá dầu tăng thì CPI sẽ lên cao một chút, tuy nhiên vẫn sẽ trong vòng kiểm soát. TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, khả năng giá dầu tăng cao hơn 70 USD/thùng là khó vì hiện nay nguồn cung dầu đá phiến dồi dào nên sẽ ép giá dầu xuống. “Trong mấy năm qua sở dĩ giá dầu thấp là do nguồn cung dầu đá phiến lớn, vì thế khả năng giá dầu tăng cao là không nhiều. Thậm chí khả năng giảm về 50 USD là có. Dự đoán chính xác giá dầu là khó nhưng sẽ trong khoảng 50-70 USD/thùng, như vậy mức tăng giảm là không nhiều. Và với mức tăng này thì tác động đến CPI là không đáng kể”, chuyên gia Nguyễn Đức Độ nói.

Liên quan tới CPI, dự báo về kinh tế 2018, Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Một trong những thách thức đó là CPI ngay từ tháng đầu năm đã tăng cao, dự báo CPI năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017 có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình. Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 4% thì công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

Trở lên trên