MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2,3 tỷ người đã bị phong tỏa, làm sao để không "giết chết" kinh tế thế giới?

26-03-2020 - 19:01 PM | Tài chính quốc tế

Khoảng 1/3 dân số thế giới giờ đã ở trong tình trạng phong tỏa. Liệu có giải pháp nào để giảm bớt những tác động lên kế sinh nhai của hàng tỷ người?

Đối với các nhà hoạch định chính sách đang phải chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19, nơi có tâm dịch đang là ở châu Âu và tình hình ở Mỹ hiện cũng rất căng thẳng, họ đang phải đứng trước lựa chọn rất khó khăn. Những biện pháp phong tỏa sẽ gây ra những nỗi đau lớn cho nền kinh tế, đe dọa sẽ gây ra suy thoái ngay trước mắt nhưng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho dịch vụ y tế. Trong khi đó những cách tiếp cận mềm mỏng hơn đe dọa sẽ khiến nhiều người thiệt mạng hơn.

Ngày càng có nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình phong tỏa khá nghiêm khắc của Trung Quốc bởi chí ít đến thời điểm này cách làm đó đã tỏ ra hiệu quả. Khoảng 2,6 tỷ người trên toàn thế giới đang bị hạn chế di chuyển, theo AFP. Mặc dù Tổng thống Trump nói rằng kinh tế Mỹ không thể ngủ đông mãi, và rằng những biện pháp đang áp dụng để ngăn dịch bệnh có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cả bản thân dịch bệnh, IMF cũng cảnh báo kinh tế toàn câu suy thoái ngay trong năm nay, nhưng ông Trump đang ngày càng đơn độc. Thậm chí nước Anh cũng đã áp dụng phong tỏa toàn quốc – điều chưa từng có tiền lệ.

Hiện nay thế giới đang đứng trước một loạt tình thế tiến thoái lưỡng nan khi áp dụng các biện pháp phong tỏa chưa từng được áp dụng trong thời bình. Những số liệu mới nhất đã cho thấy kinh tế Eurozone chật vật: ngành công nghiệp sản xuất của Đức chìm sâu hơn vào suy thoái, Pháp cũng tương tự.

Vậy thì liệu có cách nào để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế, dù là ở mức nhỏ nhất? Ai nên được phép ra ngoài trong khi thậm chí chạy bộ trong cũng có thể bị phạt nặng vì lý do an toàn? Điều gì xảy ra nếu lệnh phong tỏa phải kéo dài hơn so với dự tính ban đầu? Thực tế là ở Pháp và Tây Ban Nha điều đó đã xảy ra, Italy thì thắt chặt hơn. Quan trọng hơn, dịch bệnh là rất khó đoán.

Có thể nhìn thấy manh mối ở Pháp. Giống như các lãnh đạo châu Âu khác, Tổng thống Emmanuel Macron đã đúng khi cam kết sẽ tung ra gói kích thích tài khóa trị giá khoảng 2% GDP và hứa hẹn sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giảm thiểu cái giá phải trả khi cả nước đóng cửa. Các nước láng giềng cũng làm điều tương tự. Tuy nhiên, 1 tuần từ khi "tuyên chiến" với Covid-19, dường như những thiệt hại đã vượt quá cả cơn ác mộng tồi tệ nhất của chính phủ Pháp. Ngành công nghiệp chỉ hoạt động 25% công suất, các công trường xây dựng vẫn im lìm, và sản lượng tiêu thụ điện giảm 20% - tệ hơn so với ở Italy và Tây Ban Nha 1 tuần sau khi phong tỏa.

Kể cả những "khẩu súng thần công" hùng mạnh nhất cũng sẽ không thể nhanh chóng tái thiết nền kinh tế đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề sau những làn sóng sa thải liên tiếp.

Một cách để giảm thiểu thiệt hại là tăng số người quay trở lại làm việc, mặc dù vẫn chưa có đủ lực cầu để tiêu thụ những sản phẩm họ làm ra. Tuy nhiên cách phân chia các ngành thành thiết yếu và không thiết yếu như Pháp hay Đức đang làm hiện nay chưa phù hợp vì bỏ qua bản chất của chuỗi cung ứng. Thêm vào đó những người không thể làm việc từ xa –như các công nhân trong nhà máy, tại công trường xây dựng và những tài xế, shipper của nền kinh tế gig - lại chính là những người dễ bị tổn thương nhất.

Để cân bằng những áp lực này, nên có cách tiếp cận sát với từng ngành để phân bổ lại lực lượng lao động, chuyển đổi họ sang những lĩnh vực đang thiếu nhân lực vì khối lượng công việc đột ngột tang vọt như sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế. Trong bản thân các ngành cũng phải thay đổi: các công trường xây dựng tổ chức lại cách làm việc để mọi người giữ được khoảng cách an toàn.

Những cách khách bao gồm tang thưởng cho những người vẫn đang làm các công việc nguy hiểm. Một vài chuỗi siêu thị ở Pháp đã thưởng cho thu ngân và công nhân trong kho mỗi người 1.000 euro.

Nếu đây là 1 cuộc chiến, cũng cần phải quan tâm nhiều hơn đến hậu phương. Các công ty lớn nên đảm bảo rằng các nhà cung ứng của họ, thường là những công ty nhỏ, có thể sống sót. Không thể khiến mọi người có quan điểm rằng những công ty lớn sẽ vượt qua khó khăn bằng sự hi sinh của người khác.

Và các chính phủ cũng cần chú ý hơn đến những công ty công nghệ đang dần nổi lên là bộ phận quan trọng cung cấp các dịch vụ cơ bản nhất – như Amazon, Uber và Deliveroo – để đảm bảo rằng các nhân viên của họ được bảo vệ.

Những điều chỉnh khẩn cấp mang tính ngắn hạn này cần phải song hành với những kế hoạch trung hạn nhằm lấp đầy khoảng cách giữa lệnh phong tỏa – thực tế là chỉ có thể kéo dài vài tháng – với việc phát triển vaccine (có thể mất khoảng 1 năm). Ví dụ, người trẻ có thể quay trở lại làm việc để người già (là nhóm dễ mắc bệnh hơn) ở nhà. Tuy nhiên cần phải xét nghiệm nhiều hơn để biết ai bị bệnh, đã hồi phục và ai chưa bị bệnh.

Phong tỏa "không phải là thuốc chữa bách bệnh", Tổng thống Pháp Macron mới đây đã nói như vậy trước yêu cầu phải thực hiện những biện pháp hà khắc hơn nữa. Điều đó hoàn toàn chính xác. Tất cả các vị lãnh đạo nên coi phong tỏa chỉ là một phần rất nhỏ của kế hoạch phản ứng, và còn rất nhiều việc phải làm sau khi cuối cùng phải dỡ lệnh phong tỏa. Để tránh được điều Tổng thống Trump lo ngại, thế giới còn cả 1 chặng đường chông gai phía trước.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên