24 tuổi có 100 triệu tiết kiệm nhờ loạt bí kíp
Dù có lúc “rỗng túi” khi còn trẻ, cậu bạn vẫn đạt được cột mốc có tài khoản tiết kiệm 100 triệu trước tuổi 24.
- 22-10-2022Tiết kiệm gần nửa triệu đồng mỗi lần đi ăn cưới nhờ dịch vụ mặc đồ chung
- 21-10-2022Cô gái 30 tuổi chia sẻ bí quyết tiết kiệm, khiến tiền đẻ ra tiền
- 21-10-2022Những ngày tốt nhất trong tuần giúp bạn tiết kiệm hơn khi mua sắm
Có 100 triệu tiết kiệm đầu tiên năm 24 tuổi
Phúc Minh (25 tuổi) đã có khoản tiết kiệm 100 triệu đầu tiên vào sinh nhật lần thứ 24. Cậu bạn chia sẻ rằng bản thân ở tuổi 22 do yếu kém trong quản lý chi tiêu cùng thất bại trong kinh doanh nên đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng tài chính. Mất 1 năm vượt qua giai đoạn này, Phúc Minh dần dần tích góp hiệu quả hơn cũng như hiểu được giá trị của việc tích lũy tiền bạc thông minh.
Bên cạnh đó, không giống như nhiều người cho rằng tiết kiệm được nhiều tiền hoàn toàn dựa vào mức thu nhập cao, đối với cậu bạn này, nó còn phụ thuộc vào cách tích lũy của mỗi người. “Mình đã từng thấy nhiều người thu nhập 10 triệu/ tháng nhưng vẫn có thể tiết kiệm được 5 triệu/ tháng. Cũng có những người thu nhập gấp 5 lần nhưng chẳng tích luỹ được đồng nào. Do vậy, theo mình, để tiết kiệm mỗi người phải luôn có sự kỷ luật, tuân theo kế hoạch tài chính đã đề ra. Cắt giảm những khoản chi không cần thiết và đặt việc tiết kiệm lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung giải trí và thỏa mãn bản thân”.
Mặt khác, nếu muốn hướng tới những mục tiêu lớn trong tương lai, như mua nhà, mua xe, lập gia đình, việc tăng thu nhập cũng là một điều cần thiết. Nếu nguồn thu hiện tại chỉ ở mức trung bình mà không tìm cách gia tăng thêm thì không bao giờ đạt được những mục tiêu lớn hơn.
Phúc Minh - Ảnh: NVCC
Bí quyết tài chính để đạt được khoản tiết kiệm trăm triệu
Với Phúc Minh, có 2 điều vô cùng quan trọng để tích lũy tiền đó là: “Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn/ dài hạn” và “Ghi chép tỉ mỉ hàng ngày những khoản thu/ chi cá nhân”.
Lập kế hoạch tài chính cá nhân: Đây là bước khởi đầu không thể thiếu giúp bản thân tránh rơi vào việc chi tiêu mất kiểm soát và không bị “cháy ví” mỗi khi cuối tháng.
Đầu tiên, Phúc Minh tổng hợp được nguồn thu của bản thân bao gồm lương, thu nhập từ làm thêm và kinh doanh. Tiếp đến, cần lên danh sách những khoản chi bắt buộc chi tiết nhất có thể trong tương lai gần. Từ đó xây dựng kế hoạch tích lũy cho từng tháng, chia nhỏ để tránh áp lực vào cuối giai đoạn.
Chẳng hạn, 6 tháng tới cần 6 triệu đồng để học tiếng Anh và 12 triệu để mua xe máy. Cậu bạn sẽ lên kế hoạch tích lũy 3 triệu/ tháng để đạt mục tiêu đúng như dự đính. Bên cạnh đó, mỗi người phải tự có những cam kết chặt chẽ với bản thân.
Liệt kê một cách chi tiết những khoản chi tiêu ngắn hạn: Cụ thể là những khoản cần thiết và cố định trong 1 tháng như: Thuê nhà, điện nước,ăn uống, xăng xe, điện thoại,... Ngoài ra cũng cần dự trù 1 khoản nhỏ cho những hoạt động phát sinh như hỏng xe, ma chay,... Khoản này còn tùy vào thu nhập và mối quan hệ của mỗi người.
Ảnh minh hoạ: Pexels
Tính số dư còn lại: Tổng thu nhập - (khoản tiết kiệm cho các mục tiêu trong tương lai gần) - (khoản chi cố định hàng tháng) - (khoản dự trù cho các việc phát sinh). Đây chính là khoản để phục vụ nhu cầu giải trí, hưởng thụ và cả tiết kiệm.
Đối với Phúc Minh, cậu bạn sẽ ưu tiên 80% số tiền này vào việc tiết kiệm. 20% còn lại để “tự thưởng” bản thân, chẳng hạn xem phim, liên hoan với bạn bè, mua sắm quần áo, mua sách. “Trong trường hợp phát sinh quá nhiều ở tháng này, tháng sau, mình sẽ phải cắt giảm đi số tiền tương tự để đảm bảo 2 tháng liên tiếp vẫn duy trì được khoản tiền tích lũy như kế hoạch”.
“Thu nhập trung bình năm 23 tuổi của mình là 20 triệu/ tháng. Số dư còn lại sau khi trừ đi chi phí cố định và phát sinh là 10 triệu đồng. Mình trích khoảng 8 - 9 triệu/ tháng để tiết kiệm. Sau 1 năm, mình đã tiết kiệm được 100 triệu đầu tiên cho bản thân. Để thực hiện nghiêm túc và giám sát kế hoạch, mình có sử dụng phần mềm quản lý chi tiêu".
Ảnh: NVCC
“Mua” trải nghiệm là tốt nhưng không nên chi tiêu quá tay
Trước câu hỏi việc nhiều bạn trẻ chi tiêu rất nhiều tiền thậm chí không có tiết kiệm vì “mua” trải nghiệm, Phúc Minh cho rằng điều này không hoàn toàn sai bởi vì nó sẽ đưa lại rất nhiều kinh nghiệm. Song, “mua” trải nghiệm không nhất thiết phải dùng đến quá nhiều vật chất và dù có phải bỏ tiền ra nhưng vẫn phải trong khả năng tài chính của mình.
“Việc không có tiền tiết kiệm rất đáng báo động, vì mình cũng đã từng trải qua khoảng thời gian này. Chưa nghĩ đến những kế hoạch xa vời, chỉ khi bạn gặp những sự cố phát sinh trong cuộc sống như: Hỏng xe, hỏng điện thoại, hỏng laptop, rơi ví, đau ốm,... lúc này những khoản tiền tiết kiệm chính là chiếc phao cứu sinh giúp các bạn thoát khỏi khó khăn”.
Theo quan điểm của Phúc Minh, ở độ tuổi 18, 20, các bạn sinh viên chưa cần tự gây áp lực cho mình về việc tiết kiệm tuy nhiên cần sớm học cách quản lý tài chính cá nhân. Cần làm chủ được những khoản thu chi của bản thân dù là nhỏ nhất.
Trí thức trẻ