MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 câu hỏi cần trả lời để "thuần hóa" tiền số - "chú ngựa bất kham" của thế giới tài chính

16-05-2018 - 12:55 PM | Tài chính quốc tế

Không có gì khó hiểu khi các nhà quản lý muốn siết chặt kiểm soát đối với cơn sốt tiền số. Cơ hội có thể huy động tiền một cách quá dễ dàng thông qua các vụ ICO đã thu hút hàng tá những kẻ bịp bợm bên cạnh những doanh nhân thực sự.

Có vẻ như thị trường tiền số đã bình tĩnh trở lại sau khi bị các nhà đầu cơ đẩy giá lên cao chót vót hồi cuối năm ngoái. Giá trị của bitcoin – đồng tiền số nổi tiếng nhất – đã giảm một nửa kể từ đó đến nay. Tuy nhiên, những động lực đứng đằng sau tiền mật mã vẫn chưa hề nguội. Giá trị của bitcoin vẫn ở mức cao gấp 7 lần so với cách đây chỉ 1 năm. Theo CoinDesk, trong quý I năm nay, 6,3 tỷ USD đã được huy động thông qua các vụ ICO (1 dạng thức huy động vốn giống như phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhưng là phát hành các token), cao hơn tổng của cả năm 2017.

Không có gì khó hiểu khi các nhà quản lý muốn siết chặt kiểm soát đối với cơn sốt tiền số. Cơ hội có thể huy động tiền một cách quá dễ dàng thông qua các vụ ICO đã thu hút hàng tá những kẻ bịp bợm bên cạnh những doanh nhân thực sự. Theo ước tính của Europol, 3-4% tội phạm ở châu Âu đang lợi dụng tiền số để rửa tiền. Tuy nhiên, những người háo hức với những sự tiện lợi mà tiền số mang lại cũng có ý đúng khi lo sợ rằng nếu bị kiểm soát quá chặt chẽ (giống như lệnh cấm các sàn tiền số và các vụ ICO của Trung Quốc), 1 công nghệ đầy hứa hẹn sẽ bị chặn đứng.

Để đạt được sự cân bằng, chúng ta sẽ phải đi tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi: Tài sản số là gì? Làm sao để có thể quản lý rủi ro hàng ngày hàng giờ? Và các tài sản số đem đến những mối đe dọa như thế nào đối với sự ổn định của hệ thống tài chính?

Cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa có 1 khái niệm đồng nhất về tài sản số. Kể cả trong nội bộ các quốc gia, các cơ quan quản lý cũng chưa thống nhất về cách phân loại chúng. Tiền số là 1 loại hàng hóa, 1 loại tiền tệ, 1 loại chứng khoán hay là 1 loại tài sản hoàn toàn mới chưa từng xuất hiện? Ở Mỹ, Ủy ban chứng khoán và hối đoái Hoa Kỳ (SEC) đã ám chỉ họ sẽ đối xử với hầu hết các token được phát hành thông qua ICO là chứng khoán. Điều đó có nghĩa là chúng phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe về công bố thông tin.

Trong khi đó, cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sĩ, FINMA, hồi tháng 2 nói rằng sẽ đối xử với các tài sản số dựa trên chức năng thực sự của chúng (ví dụ như sử dụng làm phương tiện thanh toán; token được sử dụng để cho phép người sở hữu nó tiếp cận 1 dịch vụ đặc biệt hay được sử dụng làm phương tiện đầu tư). Điều này cũng có nghĩa là cách phân loại có thể thay đổi theo thời gian.

Cách định nghĩa tài sản số sẽ ảnh hưởng đến cách ứng phó với rủi ro mà chúng gây ra, từ nguy cơ bị lạm dụng để rửa tiền đến chuyện bảo vệ người tiêu dùng như thế nào. Giới tội phạm là một trong những nhóm sử dụng các đồng tiền điện tử sớm nhất trên thế giới. Để đối phó, cơ quan quản lý có thể thêm vào luật chống rửa tiền quy định về tiền số. Mục tiêu rõ ràng là các sàn giao dịch cho phép đổi tiền thật sang tiền số và ngược lại. Trong trường hợp này hãy áp dụng các quy định tương tự như với hệ thống ngân hàng hiện nay, bao gồm yêu cầu nhận diện danh tính thực của tất cả khách hàng và lưu lại đầy đủ các giao dịch bất thường. Một số nước, trong đó có Australia và Hàn Quốc và mới nhất là EU đã làm như vậy.

Đối với các nhà đầu tư bỏ tiền vào các tài sản số, một số ý kiến đề nghị chỉ cho phép những nhà đầu tư được thừa nhận tham gia vào thị trường, trên cơ sở đây là những người có thể nhận thức rõ rủi ro và có khả năng chịu lỗ cao hơn thay vì những người thông thường. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải cảnh báo mạnh mẽ về những rủi ro liên quan đến việc đầu cơ tiền số hay như một số nước đã cấm quảng cáo ICO. Bên cạnh đó còn có những quy định hiện hành để trừng phạt hành vi lừa đảo.

Ở thời điểm hiện tại câu hỏi thứ ba có thể được trả lời khá dễ dàng. Cho đến giờ thì các tài sản số chưa đủ để đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Chúng chiếm tổng cộng chưa đến 3% bảng cân đối kế toán của các NHTW ở Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Tuy nhiên, những cú biến động điên cuồng của bitcoin là dấu hiệu cảnh báo rằng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Các nhà quản lý cần phải để mắt đến các yếu tố có thể làm gia tăng rủi ro hệ thống, ví dụ như số tiền mà các nhà đầu tư tiền số đi vay mượn.

Quản lý các tài sản số là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Quá quan liêu sẽ làm tổn hại đến sự sáng tạo, nhưng nếu không thể kiểm soát những kẻ lừa đảo và tội phạm trên thị trường này thì những nhà đầu tư chân chính sẽ không muốn tham gia. Những đặc tính ưu việt của công nghệ đứng sau các đồng tiền số làm gia tăng áp lực buộc các nhà quản lý phải hết sức linh hoạt khi quản lý loại tài sản mới mẻ này. Nhưng chừng nào tiền số vẫn còn mang hình tượng "miền Tây hoang dã" như hiện nay, các nhà quản lý vẫn còn phải đau đầu.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên