MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 chính sách mới về tiền lương có hiệu lực từ tháng 7/2022

27-06-2022 - 15:19 PM | Xã hội

3 chính sách mới về tiền lương có hiệu lực từ tháng 7/2022

Tăng lương tối thiểu vùng theo tháng, có lương tối thiểu vùng theo giờ... là những chính sách mới về tiền lương được áp dụng từ tháng 7/2022.

Tăng lương tối thiểu vùng theo tháng

Ngày 12/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022 quy định về mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7.

Mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% tương ứng với mức lương 180.000 đồng - 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng theo tháng từ 01/7/2022 sẽ được áp dụng như sau vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, tăng 260.000 đồng từ mức hiện nay là 4.420.000 đồng/tháng. Vùng II ở mức 4.160.000 đồng/tháng, tăng 240.000 đồng so với mức 3.920.000 đồng/tháng hiện nay. Vùng III ở mức 3.640.000 đồng/tháng, tăng 210.000 đồng so với mức hiện tại là 3.430.000 đồng/tháng. Vùng IV ở mức 3.250.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng so với mức hiện nay là 3.070.000 đồng/tháng.

 3 chính sách mới về tiền lương có hiệu lực từ tháng 7/2022 - Ảnh 1.

3 chính sách mới về tiền lương có hiệu lực từ tháng 7/2022. Ảnh minh họa

Đã có lương tối thiểu vùng theo giờ

Ở khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: "Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ" nhưng ở các Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trước đây thì không có quy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ.

Do đó, đến Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã chính thức có uy định về mức lương tối thiểu vùng theo giờ từ 01/7/2022 cho người lao động là vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng thay đổi

Từ ngày 01/7/2022 địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP trong đó có thay đổi về địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng ví dụ như Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng I (Hiện nay thuộc vùng II); Thành phố Vinh, thị xã Cửa lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An thuộc vùng II (Hiện nay thuộc vùng III); Thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng II (Hiện nay thuộc vùng III); Các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng III (Hiện nay thuộc vùng IV)...

Theo Khánh An

Người đưa tin

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên