MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 công ty Mỹ “tuồn” công nghệ sang Trung Quốc để "tiết kiệm vài USD"

09-06-2022 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

Bộ Thương mại Mỹ hôm 8-6 đã đình chỉ quyền xuất khẩu của 3 công ty có trụ sở tại Mỹ trong 180 ngày. Ảnh: Reuters

Bộ Thương mại Mỹ hôm 8-6 đã đình chỉ quyền xuất khẩu của 3 công ty có trụ sở tại Mỹ trong 180 ngày. Ảnh: Reuters

(NLĐO) - Bộ Thương mại Mỹ hôm 8-6 đã đình chỉ quyền xuất khẩu của 3 công ty có trụ sở tại Mỹ trong 180 ngày vì bị tình nghi xuất khẩu bất hợp pháp công nghệ vệ tinh, tên lửa và quốc phòng sang Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết các công ty Quicksilver Manufacturing, Rapid Cut và US Prototype đã nhận các bản vẽ kỹ thuật và bản thiết kế từ khách hàng Mỹ, sau đó gửi cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc chuyển thành các mẫu in 3D liên quan vệ tinh, tên lửa và quốc phòng mà không được cấp phép.

Ba công ty có cùng địa chỉ ở TP Wilmington, Bắc Carolina hiện chưa đưa ra bình luận. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chưa phản ứng về vụ việc.

Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách mảng xuất khẩu Matthew Axelrod cho biết: "Việc gia công in 3D về các nguyên mẫu không gian và quốc phòng tại Trung Quốc gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ. Bằng cách gửi bản vẽ kỹ thuật và bản thiết kế của khách hàng tới Trung Quốc, các công ty này có thể đã tiết kiệm được một vài USD nhưng lại gây thiệt hại chi phí chung là bảo vệ công nghệ quân sự của Mỹ".

Bộ Thương mại cho biết thông tin được gửi bất hợp pháp cho Trung Quốc bao gồm các công nghệ quốc phòng và không gian nguyên mẫu nhạy cảm và việc đình chỉ xuất khẩu 180 ngày có thể được gia hạn. Bộ Thương mại Mỹ không chỉ ra các công ty đã ký hợp đồng với 3 công ty ở Bắc Carolina nói trên.

Một cuộc điều tra của bộ cho thấy Quicksilver đã nhận được đơn đặt hàng vào tháng 7-2017 về nguyên mẫu vệ tinh không gian của một công ty hàng không vũ trụ. Để tạo ra các thành phần, Quicksilver đã được cung cấp khoảng 12 bản vẽ kỹ thuật và các tệp bản vẽ hỗ trợ đồ họa 3D/máy tính.

Một nhân viên của công ty đã ký thỏa thuận không được tiết lộ, trong đó bao gồm quy trình được tiến hành theo các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Nhưng việc xin giấy phép có thể đã bị từ chối.

Dù vậy, Quicksilver vẫn hoàn thành đơn đặt hàng vào tháng 8 cùng năm đó mà không xin giấy phép và kèm theo một hóa đơn cho thấy các sản phẩm đã được vận chuyển từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ cũng phát hiện ra vi phạm tương tự vào tháng 7 năm ngoái của Rapid Cut - công ty có quyền sở hữu và nhân sự liên quan đến Quicksilver - dính líu đến những công nghệ được kiểm soát vì ảnh hưởng an ninh quốc gia Mỹ.

Theo Xuân Mai

NLĐ

Trở lên trên