MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 phong cách sống của người Bắc Âu: Giản dị hơn để sống hạnh phúc và đẳng cấp hơn

03-10-2019 - 14:40 PM | Sống

Nếu bạn đã từng nghe đến Lagom, Hygge hay Sisu, thì chắc chắn bạn nên đọc qua bài viết này để hiểu rõ hơn những lối sống này và biết cách ứng dụng vào cuộc sống.

Không phải bỗng dưng mà các phương pháp trị liệu tâm lý, những phong cách sống mới đang ngày được nhiều người tìm đến hơn. Xã hội của chúng ta phát triển phần nhiều theo hướng tiêu cực, gây tác động rõ rệt đến môi trường, xã hội và bản thân từng người. Vì thế, một lối thoát trở thành điều cần thiết.

Trong trào lưu cứu lấy và thay đổi thế giới, phong cách sống của người Bắc Âu bỗng trở nên nổi bật và lan truyền với tốc độ chóng mặt nhờ vào tính thực tế, thức thời và đem lại tác dụng tích cực. Nếu bạn đã từng nghe đến Lagom, Hygge hay Sisu, thì chắc chắn bạn nên đọc qua bài viết này để hiểu rõ hơn những lối sống này và biết cách ứng dụng vào cuộc sống.

3 phong cách sống của người Bắc Âu: Giản dị hơn để sống hạnh phúc và đẳng cấp hơn - Ảnh 1.

1 – Sisu (Vượt qua tất cả) – Nghệ thuật sống của người Phần Lan

Sisu là một từ khó diễn giải trong tiếng Phần Lan và không có từ tiếng Anh tương đương. Thuật ngữ này là sự pha trộn của lòng can đảm, sự dẻo dai, tinh thần bền bỉ và tính kiên trì – những phẩm chất giúp định hình nghệ thuật sống "vượt qua tất cả" của con người và đất nước Phần Lan. Sisu không phải là nguồn sức mạnh giúp ta chạy một mạch lên đỉnh núi, mà là nguồn lực xuất hiện khi nguồn năng lượng ta có đang dần cạn kiệt, khi nghịch cảnh kéo đến và ta dường như không còn lối thoát.

Tinh thần sisu thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống Phần Lan: từ việc chuẩn bị thật kỹ lưỡng để đương đầu với những khó khăn thử thách, mạnh mẽ thừa nhận những điểm yếu của bản thân, dành thời gian để im lặng suy nghĩ, nói những lời trung thực, thẳng thắn chứ không hoa mỹ, tôn thờ sự bình đẳng và công bằng, cho đến những chuyến đi bộ đường dài trong rừng, tận hưởng mùa hè trong những ngôi nhà gỗ nhỏ bé ở vùng hẻo lánh thốn thiếu tiện nghi và đi tắm hồ vào giữa mùa đông lạnh giá.

3 phong cách sống của người Bắc Âu: Giản dị hơn để sống hạnh phúc và đẳng cấp hơn - Ảnh 2.

2 – Lagom (Vừa đủ) – Đẳng cấp sống của người Thụy Điển

Thiết nghĩ trong một thế giới quá tải vật chất như ngày nay, nếu ai cũng sống lagom như người Thụy Điển, chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy được một tương lai sáng lạn hơn. "Không quá ít, không quá nhiều, chỉ vừa đủ" là cốt lõi của phong cách sống Lagom, nhưng biết như thế nào là đủ thì còn phụ thuộc vào giới hạn của mỗi người. Trong một xã hội mà con người có thể tiếp cận với bất cứ thứ gì, vào bất cứ lúc nào thì lagom chính là việc thoát ra khỏi những bộn bề và cân đo đong đếm một cách thái quá.

Tinh thần Lagom thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống Thụy Điển, từ việc chỉ nói ngắn gọn vừa đủ không khoa trương, ở trong những ngôi nhà đơn giản ít đồ đạc và thoáng đãng, ăn những đồ ăn không quá cầu kỳ, thậm chí đến vui chơi cũng không quá ồn ào, náo nhiệt… Tất cả những điều đó đã tạo nên một phong cách sống tối giản nhưng mang lại sự bình an trong tâm hồn và hài hòa trong cuộc sống.

3 phong cách sống của người Bắc Âu: Giản dị hơn để sống hạnh phúc và đẳng cấp hơn - Ảnh 3.

3 – Hygge (Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé) – Nghệ thuật sống của người Đan Mạch

Đối với người Đan Mạch, hygge là một trong những giá trị cốt lõi. Đây là nền tảng mang lại hạnh phúc cho quốc gia có hơn một nửa thời gian của năm chìm trong mưa xám và tuyết lạnh. Trong bối cảnh đời sống quá nhiều áp lực, hygge chính là cứu cánh cho bất kỳ ai đang mông lung trong cuộc sống vì mãi không thể tìm ra hạnh phúc trong chính bản thân mình.

Thuật ngữ Hygge diễn tả cảm giác thoải mái và ấm cúng. Hygge có nghĩa là vẻ đẹp nhẹ nhàng, ấm áp mang thêm cả sự êm dịu đến cho những người theo đuổi phong cách Hygge. Đây đơn thuần chỉ là sự cảm nhận và thỏa mãn vừa đủ trong mỗi cá nhân và không tuân theo bất kỳ một quy luật nào cả. Hygge đơn giản chỉ là cách bạn cảm nhận thật sâu, nhẹ nhàng và bình yên về những niềm hạnh phúc nhỏ bé trong cuộc sống. Đó chính là Hygge.

(Medium, Barcode)

Theo Poni Lê

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên