3 sự thật cay đắng khiến rất nhiều người thất bại trong sự nghiệp: Không phải kiến thức, thái độ mới là thứ quyết định tất cả!
Bài viết của nhà tư vấn, phát triển khả năng lãnh đạo - Terina Allen - được đăng trên Forbes sẽ khiến bạn phải suy ngẫm và thay đổi.
- 28-10-2019Siêu tỷ phú: Khởi nghiệp đừng sợ không có kinh nghiệm, 4 bí quyết này sẽ giúp bạn sớm muộn gì cũng thành đạt
- 28-10-2019Tò mò suất ăn của nhân viên những công ty đình đám nhất thế giới: Văn phòng Google, Apple, Facebook chẳng thua nhà hàng 5 sao
Chúng ta tin tưởng và chọn thuê một người vì thành công sẵn có của họ nhưng lại dễ dàng sa thải chỉ vì một lần thất bại. Chúng ta lấy thành tích và trình độ học vấn làm thước đo năng lực một người nhưng sau đó lại không ngừng phàn nàn về kỹ năng làm việc của người ấy.
Chúng ta ngưỡng mộ một người vì nghĩ rằng họ là nhà lãnh đạo tuyệt vời rồi thất vọng khi thực tế chứng minh họ không biết cách quản lý. Công tác tuyển dụng và phương pháp quản lý hiệu suất đôi khi chính là lý do khiến các tổ chức, từ người đứng đầu cho đến nhân viên lần lượt trở thành những kẻ thất bại.
Và khi thất bại, hiển nhiên cả hai bên đều không vui. Nhân viên không đạt được mục đích - cấp trên không hài lòng với hiệu suất của người dưới quyền mình. Đây là một vấn đề lớn.
Và bài viết này là để chỉ ra sự thật cay đắng về lý do nhiều người thất bại trong sự nghiệp của mình:
Sự thật cay đắng: Kỹ năng mềm ăn đứt kỹ năng cứng
Thực tế cho thấy các nhà lãnh đạo hay nhân viên tốt nhất thường vượt trội trong các kỹ năng giao tiếp, giải quyết xung đột, tư duy phê phán, đạo đức và trí tuệ cảm xúc. Có thể nói, kỹ năng mềm là một trong những yếu tố chủ chốt quyết định năng lực của một người. Nhưng, sự thật là nó không phải tiêu chí đinh của tuyển dụng. Thay vào đó, chúng ta vẫn ưu tiên đánh giá, xếp hạng ứng viên dựa trên kinh nghiệm, trình độ học vấn và danh tiếng ngôi trường đã đào tạo họ.
Đối với học vấn và kinh nghiệm, tùy thuộc vào dạng công việc, không thể phủ nhận được tầm quan trọng của các kỹ năng cứng như kế toán, viết lách, thiết kế phần mềm, đánh máy, kỹ thuật... Kỹ năng cứng là điều kiện kiên quyết để đưa ra quyết định tuyển dụng cũng như thăng chức. Có những vị trí đưa ra mức đòi hỏi tối thiểu ở kinh nghiệm và trình độ, không thể thương lượng.
Tuy nhiên, sự thật cay đắng là các kỹ năng mềm lại cung cấp một thước đo tốt hơn so với giáo dục và kinh nghiệm từng có để đánh giá hiệu suất và dự đoán thành công. Nhân viên có trình độ học vấn cao vẫn bị sa thải mỗi ngày vì họ không có được các kỹ năng mềm quan trọng.
Tôi đã có cơ hội làm việc với hàng ngàn giám sát viên và giám đốc điều hành, và vấn đề của họ không nằm ở việc cần những người có trình độ học vấn cao và nhiều kinh nghiệm hơn. Họ nói với tôi rằng điều mà họ đang mong mỏi tìm kiếm là những người có khả năng thể hiện hành vi tuyệt vời. Họ cần những ứng viên có kỹ năng giao tiếp tốt. Họ muốn những người có thể giải quyết xung đột hiệu quả. Họ chào đón những người suy nghĩ có tư duy phản biện và kỷ luật cao…
Kinh nghiệm làm việc không thể thay thế cho các kỹ năng mềm, trừ khi nhà lãnh đạo có khả năng đánh giá, đo lường mức độ phát triển kỹ năng sau này của đối tượng đó. Tương tự, không thể vì tấm bằng đại học mà bỏ qua tầm quan trọng của các kỹ năng này.
Sự thật cay đắng: Không phải kiến thức, thái độ mới là thứ quyết định tất cả
Chúng ta có thể tuyển chọn một người vì trình độ học vấn và kinh nghiệm, nhưng họ sẽ thất bại nếu không biết hành xử đúng mực.
Tôi đã khảo sát trên nhóm khoảng 200 người, yêu cầu họ chia sẻ lý do thực tế của mình về việc bị sa thải, không thể thăng tiến hay bị cấp trên đánh giá thấp. Dưới đây là danh sách tổng hợp phản hồi của nhóm người trên.
Nhân viên bị sa thải, không thể thăng tiến hoặc bị đánh giá thấp vì:
1. Không hoà hợp với tập thể và không phù hợp với văn hoá doanh nghiệp
2. Không biết cách lãnh đạo
3. Không có khả năng xử lý vấn đề mà lảng tránh nó
4. Kỹ năng giao tiếp và viết lách kém
5. Giấu dốt, không có tinh thần học hỏi
6. Tư duy phản biện kém
7. Thiếu chủ động
8. Không liêm chính, thiếu trung thực
9. Chuyên gia đi làm trễ giờ
10. Đối nhân xử thế kém, có thái độ không đúng mực với đồng nghiệp
11. Làm việc thiếu hiệu quả mặc dù họ được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó
12. Vi phạm chính sách của công ty.
13. Tỏ thái độ bất mãn với cấp trên và công việc của mình
14. Có mối quan hệ cá nhân không phù hợp, đứng đắn
15 Thể hiện một số hành vi vô đạo đức hoặc bất hợp pháp
Như bạn có thể nhận thấy, việc thiếu các chứng chỉ, bằng cấp và kinh nghiệm hầu như không được liệt kê tại đây. Rõ ràng, hầu hết các vấn đề được xác định có liên quan trực tiếp đến sự thiếu hụt trong các kỹ năng mềm hơn là bất kỳ sự thiếu hụt nào trong trình độ học vấn.
Sự thật cay đắng: Đừng đỗ hết lỗi lầm cho nhân viên, mà chính người làm sếp cũng phải nỗ lực hơn
Điều cấp thiết hơn cả là các doanh nghiệp, công ty, tổ chức cần đưa ra và áp dụng các phương pháp quản lý hiệu suất và tuyển dụng ưu việt hơn.
Chắc chắn, nhân viên sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gì họ làm, nhưng họ không chịu trách nhiệm cho việc thiết lập các tiêu chuẩn hành vi hoặc hiệu suất mà họ được đánh giá theo.
Hãy suy ngẫm về điều này!
Trí Thức Trẻ