MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 tiêu chí để xác định một cổ phiếu Dược hấp dẫn

Tính đến năm 2015, ngành dược phẩm đã thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng giá trị là 650 triệu USD. Các dự án nổi bật gần đây có thể kể đến Sanofi 80 triệu USD, Nipro 250 triệu USD…

Ngày 14/11, Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), CTCK Công thương Việt Nam (VietinbankSc) và CTCP Traphaco (TRA) đã tổ chức hội thảo “Ngành Dược Việt Nam – Cơ hội từ thay đổi chính sách”.

“Đói ăn rau, đau uống thuốc”

Nhắc đến ngành Dược, các nhà đầu tư luôn nghĩ đến câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc” và theo đó, Dược luôn là ngành giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh gia tăng tầng lớp thu nhập cao và sự mở rộng BHYT toàn dân.

Theo số liệu từ VIRAC, SJC, khoảng 4,2 tỷ USD dược phẩm đã được tiêu thụ trong năm 2015, theo đó tiêu thụ bình quân đầu người ở mức 40USD, gấp đôi năm 2010. Tuy nhiên sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu (2015), còn lại phải nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu tăng 16%/năm.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Truyền – PGS.TS – Chuyên gia cao cấp Dược học - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành Dược Việt Nam phát triển nhanh nhất Châu Á, đứng thứ 17/175 các quốc gia trên thế giới (theo BMI) với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2015 là 17-20%. Đến năm 2017, tốc độ phát triển thị trường vẫn được dự đoán sẽ cao hơn 17%.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến năm 2015, ngành dược phẩm đã thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng giá trị là 650 triệu USD. Các dự án nổi bật gần đây có thể kể đến Sanofi 80 triệu USD, Nipro 250 triệu USD… Ngoài ra, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và công ty nước ngoài cũng đang đẩy mạnh mua cổ phần các công ty dược VN. Các hoạt động hợp tác với nước ngoài chủ yếu là sản xuất theo hợp đồng, sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ… theo chiến lược “out-sourcing”.

Kỳ vọng nới room (Nghị định 60/2015/NĐ-CP) là chất xúc tác mạnh mẽ lên thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn kín room như DHG, TRA, DMC và IMP thu hút dòng tiền đặc biệt là vốn ngoại. Các doanh nghiệp có cổ đông chiến lược là công ty dược phẩm quốc tế lớn như Abbott (DMC) hay Taisho Pharmaceutical (DHG).

Dẫn số liệu dự báo của BMI, ông Đặng Trần Hải Đăng - Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu của VietinbankSc cho biết, ngành Dược sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 5 năm tới khoảng 11,8%.

Bên cạnh đó, Luật Dược sửa đổi đã được thông qua (dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức vào đầu năm 2017) cũng đang là yếu tố hỗ trợ cho các DN Dược. Điển hình là (1) những quy định liên quan đến hoạt động đấu thầu ưu tiên nguồn nguyên dược liệu và sản phẩm trong nước nếu đáp ứng được các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp; (2) Cho phép nộp hồ sơ đăng ký thuốc generic sớm trước khi biệt dược gốc hết hạn quyền sở hữu công nghiệp và (3) ưu tiên hỗ trợ phát triển nuôi trồng dược liệu.

Chọn cổ phiếu nào?

9 tháng đầu năm 2016, có tới 93,75% DN ghi nhận tăng trưởng doanh thu và 75% ghi nhận tăng trưởng LNST. 100% các DNNY ghi nhận tăng trưởng về giá cổ phiếu. Tính chung 12 tháng trở lại đây, cổ phiếu ngành Dược đạt mức tăng xấp xỉ 70%, trong 3 tháng vẫn duy trì mức tăng tốt là khoảng 10% (số liệu ngày 8/9/2016).

Theo ông Hải Đăng, một cổ phiếu Dược hấp dẫn sẽ được xác định bởi 3 tiêu chí chính:

(1) Năng lực tài chính lành mạnh

Điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh tăng trưởng cao và ổn định, các chỉ số sinh lời được cải thiện qua các năm, vay nợ duy trì ở mức hợp lý…

(2) Có thương hiệu và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường

Yếu tố then chốt để làm nên thương hiệu, uy tín của một DN ngành Dược đó chính là (1) những đánh giá phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm và hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó (2) một hệ thống phân phối rộng lớn với dịch vụ phân phối được đánh giá cao cũng góp phần quan trọng làm nên thương hiệu của DN. Ngòai ra (3) kinh nghiệm lâu năm trên thị trường cũng phản ánh phần nào uy tín của DN.

(3) Tiềm năng tăng trưởng lớn

Một DN Dược được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng theo ông Đăng được thể hiện qua (1) sự đầu tư của DN đó vào hoạt động R&D; (2) kế hoạch đầu tư mở rộng nâng cao công suất, xây dựng phát triển vùng nguyên dược liệu và (3) kế hoạch hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế về công nghệ, về vốn và kinh nghiệm.

Ngoài ra đầu tư vào công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp dược.

Theo số liệu mà ông Đăng tổng hợp, ngành Dược có P/E trung bình là 14,21.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên