MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 vấn đề dự báo 'làm nóng' mùa họp đại hội ngân hàng năm nay

02-04-2019 - 10:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Câu chuyện tăng vốn, xử lý nợ xấu nhằm đáp ứng chuẩn Basel II, lên sàn và thay đổi nhân sự cấp cao trong hệ thống sẽ là các vấn đề được cho là nhận được sự quan tâm trong mùa đại hội ngân hàng năm nay.

NamABank và VIB vừa tổ chức họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019, khởi đầu cho một mùa đại hội các nhà băng trong tháng 4. Câu chuyện tại đại hội của 2 ngân hàng này đã phần nào khái quát những điểm nhấn chung của toàn ngành.

Lên sàn

Tại họp đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), một trong những tờ trình được thông qua là niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Tuy nhiên, thời gian cụ thể chưa được công bố.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, toàn bộ các ngân hàng thương mại cổ phần bắt buộc phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu, hạn chót thực hiện vào năm 2020. Như vậy thời gian còn lại cho các ngân hàng là hơn 1 năm.

Thống kê của Người Đồng Hành cho thấy có 31 ngân hàng TMCP Việt Nam trên thị trường, trong đó 17 đơn vị đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phần trên sàn chứng khoán. Năm 2018, nhiều nhà băng đã thành công trong việc lên sàn, có thể điểm tới như Techcombank, HDBank, TPBank… Nhóm còn lại dù một vài nhà băng dự định lên sàn nhưng đã lỡ hẹn.

Trong năm nay, nhiều ngân hàng đang tiếp tục đẩy nhanh yêu cầu đăng ký giao dịch. Một vài cái tên đang chú ý có thể ví dụ là Maritime Bank dự kiến niêm yết trong quý III, SeABank, OCB, ABBank...

Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa qua cũng đã thông qua ủy quyền cho Hội đồng Quản trị lựa chọn thời gian chuyển cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết trên HoSE.

Tăng vốn

Mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần là đến cuối năm 2002 cơ bản phải có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II. Do đó, vấn đề dự báo làm “nóng” họp đại hội cổ đông của các nhà băng năm nay còn có việc tăng vốn.

VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 7.835 tỷ lên 10.909 tỷ đồng. Ngân hàng này sẽ thưởng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư mới với cùng tỷ lệ 18%. Đạt chuẩn Basel II từ cuối 2018 nhưng ngân hàng này vẫn tiếp tục nâng vốn. Theo lý giải của HĐQT, việc này nhằm tăng cường cấp tín dụng, đầu tư tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp mạng lưới.

Không “dễ thở” như VIB, nhiều ngân hàng khác đang trong thời gian gấp rút để cơ cấu lại tài sản nhằm đạt chuẩn Basel II khi hạn chót cuối năm 2020 đang cận kề.

3 vấn đề dự báo làm nóng mùa họp đại hội ngân hàng năm nay - Ảnh 1.

ĐHCĐ VIB. Ảnh: Khổng Chiêm

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa qua đã được thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.350 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, mục đích không ngoài việc đáp ứng lộ trình Basel II.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HoSE: CTG, VietinBank), hay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID, BIDV) cũng đang trong cuộc đua tăng vốn, liên tục tìm kiếm đối tác ngoại để phát hành cổ phần. Trong khi BIDV đã được phê duyệt phương án bán vốn cho KEB Hana Bank, VietinBank vẫn đang loay hoay phương án.

Một trong những cách mà các ngân hàng cố gắng thực hiện nhiều năm là chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng diễn ra đầu năm nay, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank tiếp tục cho biết hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng đã giảm tới sát mức tối thiểu trong khi các biện pháp tăng vốn tự có cả cấp 1 lẫn cấp 2 đã được khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật. Ông cũng cho hay từ năm 2017 đến 2020 ngân hàng đề nghị được chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu và bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ.

Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB, Techcombank) đã công bố tài liệu họp đại hội với tờ trình tăng vốn thông qua phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP và giữ lại lợi nhuận 2018, không chia cổ tức.

Nhân sự

Năm 2019, nhiều ngân hàng sẽ bầu lại HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới.

VIB vừa qua đã bầu 7 thành viên HĐQT, 3 thành viên BKS chuyên trách cho nhiệm kỳ 2019 - 2023.

Tương tự, Techcombank sẽ bầu ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới 2019-2024 với số lượng thành viên HĐQT là 8 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Ban Kiểm soát dự kiến có 3 người, trong đó có 2 thành viên chuyên trách.

3 vấn đề dự báo làm nóng mùa họp đại hội ngân hàng năm nay - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú. Nguồn: Người Đưa Tin.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (HoSE: MBB) cũng dự kiến sẽ bầu lại bộ máy lãnh đạo trong đại hội tới đây.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và 2 thành viên Ban Kiểm soát tại họp đại hội cổ đông thường niên 2019.

Một trong những thay đổi nhân sự gây chú ý trong thời gian qua là việc bầu Chủ tịch HĐQT mới của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HoSE: EIB, Eximbank). Ngày 22/3, Eximbank đã quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và yêu cầu ông bàn giao vị trí lại cho bà Lương Thị Cẩm Tú. Việc thay đổi nhân sự này tại Eximbank cũng tạo ra những lùm xùm trong vài ngày qua.

Theo Trâm Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên