MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30% diện tích mía sắp thu hoạch bị ngập lụt, Chủ tịch LSS vẫn mong cổ phiếu gấp rưỡi mệnh giá

07-11-2017 - 16:23 PM | Doanh nghiệp

Vừa chịu sức ép của yếu tố ngành, vừa thiệt hại nặng từ cơn lũ lịch sử, cổ phiếu LSS đã bị rớt giá thảm hại xuống dưới mệnh giá.

Bất lợi đủ đường, cổ phiếu lao dốc

CTCP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) kết thúc niên độ 2016 – 2017 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế cùng tăng trưởng 18% và 38%, lần lượt vượt 16% và 34% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đơn vị lại khởi đầu niên độ 2017 – 2018 trong bối cảnh khó chồng khó, không chỉ vì bất lợi chung của ngành mà còn do yếu tố thiên nhiên không ưu ái.

Cụ thể, thị trường đường trong nước giai đoạn quý I niên độ 2017 - 2018 (1/7 – 30/9/2017) ảm đạm, tồn kho tăng, giá giảm sâu. Đồng thời, tâm lý người mua “chờ ăn đường giá rẻ, từ 1/1/2018 Hiệp định tự do thương mại ASEAN có hiệu lực” đã đặt ra những thách thức mới lớn hơn và cấp bách với ngành Mía Đường Việt Nam.

Với bất lợi đó, doanh thu thuần quý I của LSS chỉ đạt 213,8 tỷ đồng, giảm 53% cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm tương ứng khiến lãi gộp còn 37,2 tỷ đồng, giảm 51,5%. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý tiết kiệm được 6 tỷ đồng nhưng lãi ròng LSS vẫn chỉ tương đương 1/3 cùng kỳ năm trước, đạt vỏn vẹn 12,2 tỷ đồng.

Trong phần giải trình kết quả kinh doanh quý I, LSS không cho biết giá đường và sản lượng bình quân quý của đơn vị ra sao. Được biết, các đơn vị cùng ngành của LSS như Mía đường Sơn La (SLS) và Mía đường Kon Tum (KTS) thì giá đường bình quân đã giảm từ 12% đến 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, SLS và KTS vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng là nhờ sản lượng tăng đột biến.

Một điểm bất lợi nữa cho LSS là đầu tháng 10/2017 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra trận lụt lớn gây tổng thiệt hại ước tính khoảng 2.990 tỷ đồng, trong đó 2.781 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn và hư hỏng một phần, 44.049 nhà bị ngập... và hơn 16.000 ha rau màu, cây trồng các loại bị hư hỏng. Riêng với LSS thì hơn 30% diện tích mía đã đến lúc vào vụ thu hoạch bị ngập lụt, khu nông nghiệp công nghệ cao bị tổn thất nặng nề. Mới đây, LSS đã có văn bản xin phép Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 – 2018 đến trước này 31/11 do phải tập trung cao cho công tác khắc phục thiệt hại sau mưa lũ.

Khó chồng khó khiến cổ phiếu LSS sau thời gian đi ngang quanh mốc 11.000 – 12.000 đồng đã lao dốc xuống dưới mệnh giá. Tính đến phiên ngày 7/11, cổ phiếu này giao dịch ở dưới mức 9.000 đồng, bay 20% giá trị sau 10 phiên.

Diễn biến giá LSS 3 tháng qua

30% diện tích mía sắp thu hoạch bị ngập lụt, Chủ tịch LSS vẫn mong cổ phiếu gấp rưỡi mệnh giá - Ảnh 1.

Đến 2020, LSS không chỉ có mía đường

Trong lời ngỏ gửi nhà đầu tư tại Báo cáo thường niên 2017, ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT cho biết đã sớm nhận biết tình hình nên trong những năm qua, LSS đã có nhiều giải pháp như cơ cấu lại sản xuất, tái định vị thương hiệu, chuyển đổi mạnh mẽ định hướng phát triển “Tập trung vào chế biến sâu - sản xuất đa dạng các sản phẩm từ đường”; khai thác tối đa các phụ phẩm từ cây mía, nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo hướng hữu cơ, bằng công nghệ cao thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai các dự án công nghiệp chế biến thực phẩm sạch theo hướng hữu cơ từ lúa gạo, từ nông nghiệp CNC; các sản phẩm tre luồng thân thiện môi trường gắn du lịch tâm linh, sinh thái và làng nghề thủ công mỹ nghệ phát huy lợi thế địa phương... đầu tư các dự án tái tạo năng lượng từ bã mía và chất thải nông lâm nghiệp, chương trình năng lượng mặt trời.

Ông Tam kỳ vọng năm 2017 – 2018, Công ty đạt doanh số 2.300 tỷ đồng, lợi nhuận 125 tỷ và cổ tức 12%, nâng giá trị cổ phiếu lên tối thiểu đạt 1,5 mệnh giá.

Theo đó, 5 mảnh hoạt động kinh doanh chính của Công ty gồm mảng mía đường, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, dự án Tre luồng xứ Thanh và thương mại xuất nhập khẩu.

Hiện tại, mảng mía đường đang mang lại doanh thu chính cho Công ty, niên độ 2016 – 2017, doanh thu từ đường chiếm 92% cơ cấu doanh thu thuần. Tuy nhiên đến 2020 các mảng kinh doanh khác sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả doanh thu lợi nhuận Công ty. Cụ thể, mảng nông nghiệp công nghệ cao, LSS đặt mục tiêu đến 2020 đạt 70.000 tấn giống các loại và đạt 50.000 tấn sản phẩm rau, quả, tỷ trọng doanh thu từ đây đạt khoảng 30 – 35%. Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất – chế biên tre luồng cũng dự kiến đến 2020 đưa vào sản xuất, công suất 20.000 m3/năm, tạo doanh thu 300 tỷ và đến 2025 đạt 100.000 m3 tạo doanh thu 1.500 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu từ 10 – 15%.

Được biết, niên độ 2016 – 2017, Công ty đề ra kế hoạch đầu tư 670 tỷ nhưng chỉ mới giải ngân 34,6 tỷ đồng. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới và chuyển giao công nghệ sản xuất rau – quả chất lượng cao tại Sao Vàng và Công nghệ cao là vượt quá chỉ tiêu với gần 22 tỷ đồng (kế hoạch chỉ 20 tỷ), còn dự án công viên sinh thái Tre luồng Thanh Lam giải ngân 11,6 tỷ trên mục tiêu 200 tỷ và dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao sản xuất tre ép khối công nghiệp giải ngân 1 tỷ trên kế hoạch 450 tỷ.

Ngoài ra, LSS còn đang phát triển dự án “Cam vàng xứ Thanh”, mục tiêu đến năm 2020 đạt sản lượng 150.000 tấn; đã có dự án và nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng “Nhà máy điện năng lượng tái tạo 3MW” gắn với du lịch sinh thái, dự kiến năm 2018 đầu tư và đưa vào sử dụng từ 2019 với công suất 120 triệu kwh/năm; cuối cùng là dự án công viên – du lịch sinh thái – tâm linh tổng đầu tư 500 tỷ.

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2017 – 2020 đạt 20%, đến 2020 kỳ vọng tổng doanh thu cán mốc 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 500 tỷ đồng, cổ tức 18 – 20% cho cổ đông và đến 2025 các con số lần lượt là 10.000 tỷ, 1.000 tỷ và 18 – 20%.

Về giải pháp tài chính cho các dự án, LSS có kế hoạch huy động vốn từ nhà đầu tư để đảm bảo các dự án có tối thiểu 40% vốn chủ sở hữu và huy động (bằng cổ phiếu hoặc trái phiếu), nguồn vốn vay tín dụng không quá 60% tổng mức đầu tư.

Được biết tổng tài sản Công ty tính đến 30/9/2017 là 2.451 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định 1.341,6 tỷ, hàng tồn kho 410,4 tỷ và phải thu ngắn hạn 398,4 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn của LSS có thể nói là khá an toàn với tổng nợ vay trên tổng nguồn chỉ chiếm 26%, chủ yếu nợ ngắn hạn 632 tỷ đồng, nợ dài hạn không đáng kể. Vốn đầu tư chủ sở hữu chỉ 700 tỷ nhưng vốn chủ sở hữu đạt hơn gấp đôi 1.600 tỷ nhờ quỹ đầu tư phát triển lớn 578 tỷ, thặng dư vốn 180 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 104,8 tỷ đồng.

Theo Ngọc Điểm

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên