30 năm phát triển khu công nghiệp: Chưa cân bằng kinh tế, môi trường và xã hội
Tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư...
- 23-11-2020Những dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM chưa thể về đích trong năm 2020
- 23-11-2020Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam
- 23-11-2020Khánh Hòa dành 1.053ha đất cho điện khí, nhiều nhà đầu tư lớn đăng ký dự án LNG "khủng"
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế diễn ra cuối tuần qua.
ĐÓNG GÓP NGÂN SÁCH HƠN 400 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Sau gần 30 năm kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.
Vốn đầu tư thực hiện, gồm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế và vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 27,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2019. Trong giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng.
Tại một số địa phương, tỷ lệ thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước của địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng...; tạo việc làm hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước.
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế.
Tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường; việc tập trung các khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh khu công nghiệp; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp và khu kinh tế phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.
PHÂN CẤP CHO BAN QUẢN LÝ THAY VÌ UỶ QUYỀN
Tại hội thảo, 3 nhóm vấn đề được tập trung trao đổi để phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới, gồm: khung pháp lý cho phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế; phát triển mô hình mới; đổi mới bộ máy quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, Khu kinh tế.
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, hiện có chuyện các dự án FDI có quy mô nhỏ, tầm vài chục triệu USD lại nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn các dự án có vốn lên tới hàng tỷ USD, ít nhất là trong làm thủ tục hành chính, xem xét việc cấp phép tăng vốn đầu tư… Điều này đi ngược xu thế chung, bởi ở các nước phát triển, các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu toàn cầu luôn là đối tượng được ưu tiên.
Ông Bruno cho rằng, thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hạ tầng có năng lực tài chính hạn chế, nên khó có thể đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như cấp nước, xử lý chất thải, giao thông, nhà ở… “Việc cấp phép dự án hạ tầng khu công nghiệp hiện khá dễ dàng, không có quy định về năng lực của nhà đầu tư, nhất là đảm bảo về nguồn tài chính để thực hiện dự án”, ông Bruno nói.
Theo ông Bruno, cần sớm có quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp hạ tầng. Tức là, cần đặt ra tiêu chuẩn cao cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, rồi mới xem xét, cấp phép cho dự án.
Ông Hà Văn Cung, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 82/2018/NĐ-CP theo hướng áp dụng thiết chế phân cấp cho ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thay cơ chế ủy quyền hiện nay.
Đại diện các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế ở nhiều địa phương kiến nghị, UBND cấp tỉnh trong thời gian chờ điều chỉnh các văn bản về quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, cần phân cấp ngay một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền nhưng chưa phân cấp hoặc đang phân cấp một phần hoặc đang thực hiện theo cơ chế ủy quyền đối với các lĩnh vực về quản lý môi trường, xây dựng, lao động…
Liên quan đến những kiến nghị này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo VnEconomy