MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3.888 tỷ đồng mở rộng quốc lộ nối Cần Thơ - Hậu Giang

Quốc lộ 61C qua Hậu Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ

Quốc lộ 61C qua Hậu Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ

Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về việc chuẩn bị dự án sử dụng vốn vay của Nhật Bản đối với dự án nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C).

Tại buổi làm việc vào chiều 13/9, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin, Quốc lộ 61C (QL61C) giai đoạn 2 có quy mô đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 .

Tổng chiều dài tuyến hơn 37km, điểm đầu tại Km10+200 (kênh Trầu Hôi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, giáp ranh với thành phố Cần Thơ); điểm cuối tại Km 47+352 (cách cầu Cái Tư khoảng 2km, thuộc ấp Mỹ Hiệp, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).

Diện tích giải tỏa, thu hồi đất để thực hiện dự án giai đoạn hoàn chỉnh dự kiến khoảng 63ha. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 3.888 tỷ đồng (tương đương hơn 168 triệu USD), trong đó, nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản là 2.538 tỷ đồng.

Hiện nay, kết nối giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang chủ yếu thông qua các tuyến QL61C, QL61 có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai.

Theo bà Nguyễn Yến Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT , các đơn vị cần sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công nâng cấp mở rộng QL61C vào năm 2024. Tỉnh Hậu Giang cần ưu tiên nguồn lực trung hạn để phối hợp các đơn vị thực hiện dự án đúng tiến độ.

Do tuyến đường dài 37km và hệ thống cầu không phức tạp nên khối lượng triển khai công việc không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, liên quan đến nguồn vốn vay nước ngoài nên tỉnh cần thực hiện đầy đủ các thủ tục, cung cấp các thông tin một cách tốt nhất để nhận nguồn vốn vay trung hạn ; về phía Bộ KH&ĐT sẽ hỗ trợ tối đa địa phương đẩy nhanh tiến độ nâng cấp tuyến đường này...

QL61C giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2012, có quy mô 2 làn xe (tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng) là tuyến ngắn nhất nối thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) với thành phố Cần Thơ, đóng vai trò là trục dọc kết nối với các trục đường ngang quy hoạch như tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Hà Tiên – Rạch Giá - Bạc Liêu, tạo thành mạng giao thông rất quan trọng của vùng Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, tuyến đường này kết hợp với QL1A, QL61, QL61B, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, tuyến Nam Sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp... tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh khu vực ĐBSCL .

Do đây là tuyến đường ngắn, huyết mạch nên hầu hết phương tiện đều chọn để di chuyển, làm cho mật độ tăng nhanh, dẫn đến tình trạng mặt đường nhanh chóng hư hỏng, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên