MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 biểu hiện trên cơ thể nhắc nhở phổi của bạn đang “kêu cứu”

24-03-2020 - 10:27 AM | Sống

Một khi có vấn đề ở phổi, bạn sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Phổi là bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống hô hấp của con người. Vai trò chủ yếu của phổi là trao đổi các khí – đem oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi và đưa dioxit cacbon từ động mạch phổi ra ngoài. Ngoài ra, phổi cũng có một số khả năng thứ yếu khác, giúp chuyển hóa một vài chất sinh hóa, lọc một số độc tố trong máu. Phổi cũng là một nơi lưu trữ máu.

Một khi có vấn đề ở phổi, bạn sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đối với những người thường xuyên hút thuốc và tiếp xúc với khí độc hại, chức năng phổi của họ cũng tương đối kém. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, mọi người cần chú ý đến sức khỏe phổi .

4 biểu hiện trên cơ thể nhắc nhở phổi của bạn đang “kêu cứu” - Ảnh 1.

Một khi cơ thể xuất hiện 4 dấu hiệu dưới đây, chứng tỏ phổi của bạn đang "kêu cứu".

1. Dung tích phổi bị suy giảm

Dung tích phổi là thể khí (O2) trong phổi khi hít vào hết sức, trên lâm sàng cho thấy dung tích phổi là tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe của phổi, dung tích phổi càng lớn, chức năng phổi càng khỏe mạnh. Ngoài việc sử dụng thiết bị chuyên nghiệp để kiểm tra dung tích phổi, trong cuộc sống hàng ngày bạn cũng có thể tự kiểm tra dung tích phổi.

Sau khi chúng ta hít một thơi thật sâu và bắt đầu tính thời gian, nếu có thể giữ (nín thở) được trong 40 giây, chứng tỏ phổi khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn không thể giữ được khoảng 20 giây, điều đó có nghĩa là chức năng phổi của bạn tương đối kém. Hoặc so với trước đây, thời gian nín thở càng ngắn, càng chứng tỏ chức năng phổi suy giảm.

2. Ho

Ho là một phản ứng căng thẳng của hệ hô hấp, thông qua ho có thể làm sạch các dị vật bên trong đường hô hấp. Vì vậy, khi có bệnh về đường hô hấp, triệu chứng điển hình nhất là ho.

4 biểu hiện trên cơ thể nhắc nhở phổi của bạn đang “kêu cứu” - Ảnh 2.

Ho là một phản ứng căng thẳng của hệ hô hấp, thông qua ho có thể làm sạch các dị vật bên trong đường hô hấp.

Sau khi dị vật xâm nhập vào phổi, đồng thời sẽ xuất hiện triệu chứng ho, đặc biệt là giai đoạn đầu của ung thư phổi chủ yếu là "ho lâu dài". Ho do bệnh phổi mãn tính rất khác biệt so với ho ở các bệnh thông thường, các bệnh thông thường sau khi dùng thuốc, các triệu chứng được cải thiện.

Nếu ho kéo dài, bệnh phát triển còn kèm theo xuất hiện đờm, trong đờm có máu hoặc ho ra máu, điều này chứng tỏ phổi đã bị tổn thương nghiêm trọng.

3. Thay đổi màu môi

Phổi là một kênh quan trọng để cơ thể con người hít thở oxy. Khi có vấn đề ở phổi, trước tiên nó sẽ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, cung cấp oxy máu trên toàn cơ thể không đủ và kết quả là màu máu sẽ thay đổi, ví dụ có màu đỏ sẫm hoặc màu đỏ nhạt… đều là những tín hiệu bất thường.

Khi cơ thể thiếu oxy trầm trọng, phần môi sẽ xuất hiện màu xanh tím, trên lâm sàng còn gọi là "tím tái". Do đó, kiến nghị mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra phổi khi thấy xuất hiện tình trạng trên.

4 biểu hiện trên cơ thể nhắc nhở phổi của bạn đang “kêu cứu” - Ảnh 3.

Khi cơ thể thiếu oxy trầm trọng, phần môi sẽ xuất hiện màu xanh tím, trên lâm sàng còn gọi là "tím tái".

4. Đau ngực

Trong khoang ngực chủ yếu có phổi, tim và một số cơ quan khác. Phổi sau khi bị bệnh, bệnh nhân có thể sẽ có triệu chứng như đau tức ngực . Bệnh không ngừng phát triển, cảm giác đau tức ngực cũng ngày càng dữ dội hơn.

Nếu bị viêm phổi, ngoài các triệu chứng như đau ngực, bệnh nhân cũng bị ho, sốt… Còn nếu là ung thư phổi, cơn đau ở giai đoạn đầu không rõ ràng, khi ung thư ở giai đoạn giữa và đã xâm lấn đến cơ hoành và các mô cơ xung quanh, cơn đau sẽ dần trở nên rõ ràng hơn.

4 biểu hiện bất thường ở trên có thể là do giảm chức năng phổi và các bệnh về phổi. Đối với những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi, việc kiểm tra sức khỏe phổi là cần thiết. Một khi phổi bị tổn thương cần phải được điều trị nghiêm ngặt theo khuyến nghị của các bác sĩ để tránh bệnh tình nghiêm trọng hơn.

(Nguồn: QQ)

Theo Hà Vũ

Trí thức trẻ

Trở lên trên