4 giai đoạn và những dấu ấn “thánh gióng” của Tập đoàn Viettel
Với phương châm “luôn chủ động thay đổi trước khi bắt buộc phải thay đổi”, hành trình phát triển suốt 30 năm qua Tập đoàn Viettel đã luôn đổi mới không ngừng bằng những chiến lược táo bạo và đầy sáng tạo để phục vụ cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau 30 năm, trải qua 3 chặng đường phát triển, Viettel đã “vươn vai” lớn mạnh, từ Viettel 1.0 là một Công ty xây lắp (giai đoạn 1989 – 1999) trở thành Viettel 2.0 là Công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam (giai đoạn 2000 – 2010) và đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành Viettel 3.0 là Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 2010 – 2018). Điều này đồng nghĩa với việc Viettel sẽ bước vào giai đoạn 4.0 sớm hơn 2 năm so với dự kiến.
Lan tỏa trong và ngoài nước
14 năm trước – đầu những năm 2000 khi điện thoại còn là 1 dịch vụ xa xỉ thì Viettel đã ước mơ mỗi người dân có 1 chiếc điện thoại để liên lạc, trao đổi. Trên nền tảng đó, Tổng công ty Viễn thông Viettel đã được thành lập, và đến hôm nay đã thực hiện được ước mơ đó khi góp phần lớn đưa dịch vụ viễn thông đến với hơn 65 triệu người dùng di động tại Viêt Nam. Bằng những chiến lược mang tính đột phá như đưa ra giá cước thấp, là doanh nghiệp tiên phong trong khai phá các thị trường nông thôn, phân khúc bình dân như học sinh, sinh viên, công nhân, quân nhân.... đến nay Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện thoại số 1 tại Việt Nam.
Mới đây, theo bình chọn của công ty kiểm tra tốc độ internet miễn phí Speedtest, Viettel là mạng duy nhất đạt được danh hiệu là nhà mạng di động nhanh nhất Việt Nam. Viettel là nhà mạng có hạ tầng 3G/4G rộng nhất với hơn 67.000 trạm phát sóng, cho phép cung cấp internet di động đến cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…
Trong đó, mạng 4G được khai trương hồi tháng 4/2017 đã phủ sóng 95% dân số với 100% trạm thu phát 4G sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu) hiện đại nhất thế giới. Nếu so với dịch vụ 3G, tốc độ 4G Viettel phát triển được sau 1 năm khai trương cao gấp 10 lần. Hiện 4G đã chiếm gần 20% tổng số khách hàng của Viettel, cao hơn so với tỉ lệ này tại các nước châu Á (trung bình khoảng 10% - 15% thuê bao toàn mạng sau 1 năm khai trương).
Và cũng 12 năm trước (năm 2006) chưa ai dám nghĩ đầu tư ra nước ngoài, trở thành doanh nghiệp toàn cầu thì Viettel đã ước mơ kết nối thế giới, trở thành doanh nghiệp toàn cầu thì Viettel thành lập TCT Viettel Global. Đến nay, Viettel đã đầu tư vào 10 thị trường nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là hơn 2 tỉ USD, sở hữu tới 35 triệu thuê bao. Năm 2017, 10 thị trường này mang lại cho Tập đoàn doanh thu 1,6 tỷ USD, trong đó lợi nhuận chuyển về Việt Nam đạt 516 triệu USD.
Đó là các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor (châu Á); Tanzania, Cameroon, Burundi, Mozambique (châu Phi) và Pê-ru, Haiti (châu Mỹ). Trong đó, 7 thị trường kinh doanh trên 3 năm đã có lãi là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi, Haiti, Pê-ru. Đặc biệt, tại Lào, Campuchia, Đông Timor, Viettel đã hoàn vốn đầu tư và đứng số 1 tại những thị trường này về mạng lưới viễn thông, thu về gấp 4 - 5 lần giá trị vốn đầu tư.
Không dừng lại ở đó, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng thị trường đầu tư ra nước ngoài đạt quy mô dân số 400 - 500 triệu dân, trở thành một tập đoàn công nghiệp viễn thông công nghệ cao, toàn cầu, hùng mạnh với mức tăng trưởng 10 -15%/năm.
Tập đoàn cũng đặt chỉ tiêu doanh thu 350.000 - 400.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trước thuế 50.000 - 55.000 tỷ đồng/năm và nằm trong top 10 công ty viễn thông toàn cầu.
Tiên phong cách mạng công nghiệp 4.0
Khép lại giai đoạn 3.0 (từ 2010 – 2018), Viettel trở thành Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao số 1 Việt Nam; đứng thứ 25 bảng xếp hạng thương hiệu viễn thông đứng đầu thế giới; Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao; Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu; công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất (10 nước).
Không chỉ duy trì ổn định vị thế nhà mạng số 1 Việt Nam, Viettel còn dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh với những con số ấn tượng: doanh thu tăng trưởng 2,7 lần (từ 92.000 tỷ lên 252.000 tỷ); lợi nhuận tăng trưởng 2,7 lần (từ 16.000 tỷ lên 44.100 tỷ); nộp ngân sách tăng 4,5 lần (từ 9.200 tỷ lên 41.100 tỷ); vốn chủ sở hữu tăng 4,5 lần (từ 28.600 tỷ lên 128.000 tỷ); thu nhập tăng 1,9 lần. Tập đoàn cũng đồng thời là doanh nghiệp nộp thuế và ngân sách lớn nhất, lợi nhuận lớn nhất và giá trị thương hiệu cao nhất.
Cũng cách đây từ 8 năm trước, khi khái niệm về cách mạng công nghiệp 4.0 hay “Chính phủ điện tử” còn rất mơ hồ, thì Viettel đã ấp ủ giấc mơ Chính phủ điện tử, chính phủ số, hướng đến số hóa nền kinh tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, gần gũi nhất, chắc chắn nhất và hiện đại nhất, góp phần trong công cuộc thay đổi diện mạo đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Do đó, mới đây khi công bố chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2018 – 2030, Viettel xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm.
Trong đó, tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.’’
Theo đó, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel chính thức thành lập sẽ giúp kết nối và đưa ứng dụng 4.0 vào cuộc sống nhiều hơn thông qua số hóa các thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, phong phú, có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực của cuộc sống như giáo dục, y tế; hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp thông minh hóa các hoạt động nội bộ và hoạt động sản xuất kinh doanh....
Viettel khẳng định sứ mệnh: “Đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc tận dụng các cơ hội, giải quyết các vấn đề, thách thức mà CMCN 4.0 mang đến cho xã hội”. Hiện thực sứ mệnh này, Viettel hiện nay đã sẵn sàng cho hạ tầng công nghệ 4.0 và làm chủ công nghệ lõi tiên tiến nhất như công nghệ IoT, phân tích dữ liệu lớn - Big Data, Trí tuệ nhân tạo - AI; BI; Block-chain;…