4 giải pháp cho bài toán đất đai của TS Trần Du Lịch
Ủng hộ tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng đồng bộ công nghệ, giảm chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu nhưng cần có chính sách pháp lý bảo đảm quyền lợi cho nông dân và doanh nghiệp.
Ngày 29-5, Tổng hội NN&PTNT Việt Nam và tạp chí Nông Thôn Việt đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tích tụ ruộng đất, được & mất?” tại TP.HCM.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đề xuất bốn giải pháp cho bài toán đất đai hiện nay.
Thứ nhất là chấp nhận một bộ phận nông dân sẽ bị mất đất và bộ phận đó sẽ được bổ sung vào thị trường lao động. Vấn đề đặt ra là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động chứ không bị cưỡng ép.
"Thực tế hiện nay không có lao động cho nông nghiệp, vậy nên một bộ phận thoát ly để trở thành người làm thuê là điều cần thiết" - ông Lịch nói.
Thứ hai, theo TS Lịch, tất cả động thái tích tụ và tập trung đều nên thực hiện bằng chính sách phù hợp. Cái sai hiện nay là Nhà nước muốn gom hết đất về mình để phân phát.
Thứ ba là về mặt chính sách, nếu khuyến khích thì khuyến khích tập trung, nên để tích tụ tự nhiên và tách biệt với tập trung.
Lấy ví dụ toàn bộ các trang trại Bắc Âu có 70% diện tích là thuê của nông dân, doanh nghiệp chỉ sở hữu 30%. Nếu thực hiện theo cách này sẽ khuyến khích người nông dân chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình, vì họ sẽ có thu nhập, về già họ sẽ còn lấy được tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống.
Thứ tư, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là tổ chức hệ thống phân phối làm sao để giảm chi phí sản xuất. Quản lý nhà nước phải tính đầu ra cho hàng nông nghiệp công nghệ cao.
"Hiện nay nội công nghệ chưa cao đã cung thừa cầu, vì vậy tìm đầu ra cho hàng nông nghiệp công nghệ cao là điều phải tính đến” - TS Lịch chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng hai trở ngại lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay cần giải quyết để phát triển tốt, là đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Lâu nay đất đai vẫn là vấn đề khó, còn nhiều lúng túng.
Theo dõi nhiều quốc gia mới thấy, ít có quốc gia nào lại thay đổi nhiều lần về quản lý đất đai như Việt Nam, mà đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Trên thực tế, trên dưới 70% khiếu nại của dân đều liên quan đến đất đai, chưa kể đến có điểm tranh chấp nóng về đất đai gần đây giữa người dân và chính quyền.
Theo ông Trung, chắc chắn không cách nào nông nghiệp phát triển được nếu không đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Nếu không tích tụ đất thì giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn rất thấp. Nếu muốn nông nghiệp phát triển bền vững, phát triển xanh và theo hướng công nghệ cao thì phải tích tụ ruộng đất.
Hiện nay có nhiều hình thức tích tụ ruộng đất: Một là, người nông dân cho doanh nghiệp thuê đất; hai là, nông dân góp vốn bằng đất cùng doanh nghiệp chia lợi nhuận; ba là, chính quyền cho thuê trung gian; bốn là, nông dân bán đất cho doanh nghiệp.
"Riêng tôi, tôi ủng hộ hình thức doanh nghiệp thuê đất của dân. Theo tôi, Nhà nước phải có chế tài cho cả hai bên: Bên thuê và bên cho thuê. Vì tâm lý của người nông dân mình là muốn giữ đất và bản thân các hình thức bán đất, góp vốn, Nhà nước thu cho thuê đều có rủi ro với người dân cao hơn".
Ông Nguyễn Thế Trung nhận định: “Cái mất nếu tích tụ đất là một bộ phận nông dân mất đất, thiếu việc làm. Khả năng rất có thể xảy ra là có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp lợi dụng chủ trương tích tụ để đầu cơ không chính đáng, gắn với cán bộ chính quyền xin dự án, từ đất nông nghiệp sang đất thương mại. Nếu quản lý nhà nước chặt chẽ thì không được để xảy ra tình trạng này. Phải tăng cường quản lý nhà nước về đất đai. Phải cho doanh nghiệp có tâm huyết làm thì mới tích tụ đất được".
Pháp luật TPHCM