4 ngày liền chỉ có 1 ca nhiễm trong nước, các nước phương Tây học gì ở Trung Quốc trong chống dịch Covid-19
Một câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, có thể học theo mô hình chống dịch của Bắc Kinh hay không.
Trong 4 ngày vừa qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận có thêm một ca nhiễm virus corona mới từ nguồn lây trong nước. Một tín hiệu đầy khả quan nếu nhìn lại tình trạng bùng phát dịch thời gian đầu tại thành phố Vũ Hán.
Theo AFP, tuy một số chuyên gia vẫn nghi ngờ về tính xác thực của số liệu ca nhiễm ngày càng ít từ Bắc Kinh, Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tin rằng tín hiệu thành công từ cuộc chiến chống virus corona tại Trung Quốc đang mang đến những niềm hi vọng mới cho thế giới.
Phong tỏa và cách ly
Nhớ lại hồi tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán, chính thức cách ly toàn bộ thành phố này. Sau đó, lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc cũng đưa ra quyết định cách ly trên diện rộng 50 triệu dân trong tỉnh. Người dân ở các khu vực khác của Trung Quốc cũng được khuyến cáo ở trong nhà. Nhằm đảm bảo việc cách ly được thực hiện nghiêm túc, chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của hàng trăm triệu người Trung Quốc sinh sống trong các khu dân cư đông đúc.
Chia sẻ với AFP, Giáo sư y khoa Sharon Lewin, tại Đại học Melbourne nhận định: “Việc phong tỏa thành phố Vũ Hán thực sự có tác dụng. Số ca nhiễm bệnh bắt đầu giảm trong hai tuần sau quyết định này do đây là khoảng thời gian ủ bệnh”.
Nhiều quốc gia châu Âu và một số bang của nước Mỹ cũng đang áp dụng ở cấp độ khác nhau các biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội và cách ly tại nhà. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Imperial College London chỉ ra rằng, mặc dù biện pháp này có thể thành công tại Trung Quốc nhưng nó cũng mang đến các phí tổn xã hội và kinh tế to lớn trong ngắn và dài hạn.
Nghiên cứu này cho rằng “Thách thức lớn nhất là chính quyền phải duy trì biện pháp này cho tới khi thế giới điều chế thành công vắc xin chữa virus corona, mà việc này dự kiến phải mất ít nhất 18 tháng nữa”. Nghiên cứu còn đưa ra nhận định, nếu nới lỏng các biện pháp can thiệp thì tỉ lệ lây nhiễm sẽ “nhanh chóng tăng lên”.
Huy động các nguồn lực ở quy mô lớn
Theo lời Giáo sư y tế công Zheng Zijie của Đại học Bắc Kinh, khi dịch Covid-19 lây lan quá nhanh khiến cho ngành y tế của Hồ Bắc gặp khủng hoảng, Chính phủ Trung Quốc đã huy động ít nhất 42.000 bác sỹ và nhân viên y tế tới hỗ trợ tỉnh này.
Các chuyên gia y tế của Tổ chức Chữ thập đỏ Trung Quốc hiện nay cũng đang hỗ trợ y tế cho các bệnh viện đang quá tải ở Italy, đất nước đang thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia có số ca tử vong do virus corona cao nhất thế giới.
Tuy vậy, các nhân viên y tế cũng không tránh khỏi nguy cơ nhiễm bệnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Trung Quốc công bố đầu tháng 3 vừa qua, hơn 3.300 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm và 13 người đã tử vong vì do Covid--19. Ngoài ra, Bắc Kinh còn liên tục phát đi thông điệp giữ gìn vệ sinh và khuyến cáo ở trong nhà trên các phương tiện truyền thông và thông qua các tấm áp phích trên đường.
Theo truyền thông Trung Quốc, chính phủ nước này trong một nỗ lực phi thường chỉ mất có 10 ngày hoàn thành việc xây dựng 2 bệnh viện mới với tổng số 2.300 giường bệnh tại thành phố Vũ Hán.
Khẩu trang và các chốt kiểm tra
Tại mỗi khu dân cư, công viên hay trung tâm thương mại đều đặt các điểm kiểm tra đảm bảo người dân tại các thành phố đeo khẩu trang khi đi trên ngoài đường. Việc đeo khẩu trang trên diện rộng có thể đã giúp ích giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh “đặc biệt khi có rất nhiều người không có triệu chứng nhiễm bệnh”, theo Giáo sư Zheng.
Theo Tân Hoa Xã, trong thời kỳ đỉnh dịch, Trung Quốc mỗi ngày đã sản xuất 1,6 triệu khẩu trang kháng khuẩn N95. Đeo khít kín khuôn mặt và thay đổi thường xuyên, khẩu trang được coi là biện pháp phòng chống lây nhiễm hữu hiệu nhất.
Để nhận biết nhanh những người nhiễm bệnh, chính quyền cho đặt các điểm kiểm tra thân nhiệt được đặt ngay bên ngoài các tòa nhà, cửa hàng và các địa điểm công cộng. “Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 37.3 độ, bạn sẽ được cách ly”, một nhân viên chia sẻ với hãng tin AFP tại chốt kiểm tra ở cổng vào một công viên tại thủ đô Bắc Kinh.
Ngoài ra, nhiều khu dân cư còn yêu cầu người dân quét mã QR trong điện thoại để phân loại cá nhân theo mã màu như “xanh”, “vàng” hay “đỏ”. Việc đánh giá khả năng lây nhiễm của mỗi người dân dựa trên việc theo dõi cá nhân này có đến vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hay không hiện đang là yêu cầu bắt buộc mỗi khi ra vào tại nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Theo các thông báo của chính quyền Trung Quốc, việc phân loại người dân theo mã màu này sẽ tiếp tục được áp dụng thậm chí sau khi dịch bệnh Covid-19 đã suy giảm.
Báo Dân sinh