4 quy tắc tiền bạc quan trọng: Bỏ qua thì cày cuốc đến chết trên giường bệnh vẫn nghèo khó
Không biết quản lý tiền bạc của mình, dù cố đến đâu bạn cũng không thể trở nên giàu có.
- 23-03-2022Tôi cũng 25 tuổi, không có xế hộp 13 tỷ hay ngắm nghía căn villa 100 tỷ, nhưng có những trải nghiệm tiền bạc còn "đắt" hơn!
- 20-03-2022Thực hiện 5 thói quen này để khắc phục 90% vấn đề tiền bạc của bạn: Càng thành thạo nhiều kỹ năng, càng nhiều cơ hội kiếm tiền
- 17-03-2022Chuyên gia tài chính vạch ra 5 LẦM TƯỞNG CỐ HỮU trong quản lý tiền bạc: Mua nhà quá sớm là một rủi ro
Tiền bạc là một trong những vấn đề mà càng đi sâu vào, chúng ta lại càng nhận ra mình chẳng hiểu gì về nó cả. Bởi lẽ, đa phần chúng ta đều không biết cách quản lý hay đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn.
Càng hiểu ít về tiền , bạn càng có nguy cơ mất nhiều tiền vào những khoản chi không đáng có. Giống như câu nói "mọi sự thiếu hiểu biết đều phải trả giá bằng tiền mặt" dù bạn rất giàu đi chăng nữa mà không biết cách quản lý tiền của mình, bạn vẫn có thể nghèo khó liền ngay. Ngược lại, ngay cả khi bạn có xuất phát điểm thấp, bạn vẫn có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình rất nhiều nếu biết cách quản lý tiền bạc khôn ngoan. Và đây là 4 quy tắc về tiền mà bạn phải biết - phải hiểu để áp dụng mới mong có thể đổi đời.
1. Trả tiền cho chính mình trước
Tìm kiếm một công việc ổn định, có đồng ra đồng vào đủ trang trải cuộc sống rồi vay tiền mua nhà, mua xe có lẽ là "quy trình" phổ biến của rất nhiều người. Thế nhưng điều đó khiến mọi người trở nên như một chú robot được lập trình sẵn: có lương bắt đầu thanh toán hóa đơn, có lương bắt đầu trả nợ, xong hết tất cả mới nghĩ đến việc tiết kiệm. Vòng xoay này sớm muộn cũng khiến bạn mệt nhoài khi phải chạy theo những nhu cầu của xã hội, không biết đâu là thứ phải làm và chẳng tiết kiệm được là bao.
Song, quy tắc cơ bản trong lập ngân sách và tiết kiệm là hãy trả tiền cho bản thân bạn trước. Tức là khi tiền lương đến tài khoản, hãy chuyển một phần sang quỹ tiết kiệm trước khi thanh toán các hóa đơn.
Thực hiện được điều này, bạn sẽ luôn có một khoản tiết kiệm cho dù tài chính biến động ra sao. Nếu bạn luôn trả cho mình sau cùng, bạn sẽ rất dễ quên đi việc mình cần tiết kiệm và kết thúc tháng với chỉ vài đồng sót lại trong ví.
2. Luôn bắt tiền đẻ ra tiền
Bằng cách trả tiền cho chính mình trước, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá mà chính bản thân có thể không nhận ra.
Với khoản tiền này, trước tiên bạn hãy trích ra một khoản bằng 3-6 tháng lương để làm quỹ khẩn cấp cho những ngày khó khăn. Sẽ không ai biết trước được tương lai, không ai đoán được có biến cố nào xảy đến với bạn và gia đình hay không. Việc có một khoản quỹ khẩn cấp sẽ tạo ra giới hạn an toàn cho tiền bạc của bạn, hạn chế nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính khi có việc không may xảy ra.
Sau đó, bạn có thể chọn đầu tư khoản tiền tiết kiệm này hoặc chỉ gửi chúng vào ngân hàng lấy lời đều được. Miễn sao tiền lúc nào cũng phải đẻ ra tiền, không đứng yên và mất giá do lạm phát.
Tất nhiên trước khi rót tiền của bạn vào bất cứ kênh đầu tư nào, hãy tính toán cho kỹ, học hỏi thêm nhiều kiến thức. Biết tiền của mình đi đâu về đâu là một trong những cách hạn chế tối đa rủi ro trong đầu tư cũng như là nền móng cho việc làm giàu, kiếm thêm của bạn.
3. Sống dưới khả năng
Sự phát triển của xã hội và các phương tiện truyền thông đang khiến dân tình chi tiêu ngày càng nhiều tiền cho những thứ không thực sự cần thiết.
Song nếu dành thời gian để suy nghĩ về điều đó, bạn sẽ nhận ra rằng mình đang mua rất nhiều thứ mà bản thân không cần. Chẳng ai trong chúng ta nên chi vài chục triệu cho một mẫu điện thoại hot hit trong khi chiếc rẻ hơn cũng có tính năng tương tự, không ai cần phải cập nhật những mẫu điện thoại mới nhất hằng năm khi điện thoại cũ vẫn dùng tốt, không cần quá nhiều túi xách - giày dép để ăn diện mỗi ngày.
Thay vì tiếp tục "vứt tiền qua cửa sổ", bạn cần bắt đầu sống dưới khả năng của mình. Đây là một quy tắc cơ bản về tiền bạc và bằng cách áp dụng nó, bạn sẽ thúc đẩy tình hình tài chính cá nhân của mình hơn bao giờ hết.
4. Không mắc nợ
Việc có thể làm thẻ tín dụng và vay tiền tiêu dùng ngày một dễ dàng khiến không ít người đang ngày càng sa lầy vào bẫy mua sắm. Kiểu tiêu dùng này khiến bạn lao vào nợ nần, khiến tình trạng tài chính bấp bênh hơn bao giờ hết. Thậm chí, có người mỗi tháng số tiền phải trả cho các khoản vay không cần thiết này đôi khi còn nhiều hơn cả thu nhập của họ.
Muốn thoát khỏi tình trạng này, hãy luôn nhớ quy tắc đừng bao giờ tiêu tiền trước khi bạn có nó. Nếu bạn thực sự muốn mua một chiếc điện thoại mới, hãy nỗ lực kiếm và tiết kiệm tiền. Khi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt cho một khoản tiền, bạn sẽ đắn đo hơn rất nhiều khi quyết định đốt chúng cho những thứ không cần thiết.
Ảnh: Tổng hợp
Pháp luật và bạn đọc