MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 tháng, ước xuất siêu 6,35 tỷ USD

Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

4 tháng, ước xuất siêu 6,35 tỷ USD - Ảnh 1.

Các xe hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.

Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 05 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,33 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 8,56 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 2,58 tỷ USD, chiếm 2,4%.

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,62 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,6 tỷ USD, giảm 17,4%.

Có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,1%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 95,64 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,6%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 6,58 tỷ USD, chiếm 6,4%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 24,4 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD, giảm 12,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỷ USD, giảm 18,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ USD, giảm 36,9%; nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ USD, giảm 53%.

Trước những diễn biến khó lường của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…

Cùng với đó, để hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 238/CĐ-TTg về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang ráo riết cùng doanh nghiệp gỡ điểm nghẽn với tâm thế chủ động với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới; số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại…

Theo Thúy Hiền

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên