MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

40.000 đồng “bảo bối” tiết kiệm điện tới 40% và sự thật bất ngờ phía sau

09-05-2021 - 16:22 PM | Thị trường

Thiết bị tiết kiệm điện giá rẻ từ 40.000 đồng có thực sự "thần thánh" như quảng cáo?

"Đến hẹn lại lên" cứ chớm hè, các thiết bị tiết kiệm điện giá rẻ từ 33.000 – 120.000 đồng lại rao bán rầm rộ trên các trang thương mại điện tử, "chợ" mạng xã hội. Không khó để bắt gặp những dòng quảng cáo "Hãy để chúng tôi tiết kiệm điện giúp bạn"; "Bí quyết cắt giảm hóa đơn tiền điện từ 2 - 2,5 lần" trên các trang bán hàng.

Thiết bị tiết kiệm điện có kích thước nhỏ, đa dạng về kiểu dáng, mức giá, nhưng phổ biến nhất là dòng có tên gọi chung là Eletricity saving box.

Theo tư vấn của người bán, người dùng chỉ cần cắm vào bất kỳ ổ điện nào, nhất là phía sau công tơ điện trong gia đình, là có thể phát huy công dụng, dù trong nhà có nhiều thiết bị sử dụng điện như tivi, tủ lạnh, máy tính…

"Nhờ tăng hiệu số công suất và tối ưu điện năng thừa, không hao phí điện năng, ổn định dòng điện. Do đó, điện năng tiêu thụ sẽ giảm từ 20 - 40% khi sử dụng thiết bị".

Để tăng thêm độ tin cậy, 1 số trang bán hàng trích dẫn lời một kỹ sư điện cho rằng đã thực nghiệm sử dụng thiết bị và cho thấy tiết kiệm điện được 40%.

40.000 đồng “bảo bối” tiết kiệm điện tới 40% và sự thật bất ngờ phía sau - Ảnh 1.

Thiết bị tiết kiệm điện giá rẻ bán tràn lan trên thị trường.

Do mức độ "hot" của sản phẩm này cũng như lời đồn thần thánh về công dụng mà thiết bị này mang lại, nhiều chuyên gia ngành điện đã lên tiếng cảnh báo người dùng.

Kỹ sư điện Nguyễn Tuấn Thành, nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Sửa chữa điện tử, điện lạnh Thành Nam (Hà Nội) cho biết, không thể có thiết bị nào đấu nối có thể giảm tới 40% điện năng như quảng cáo.

"Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ có thể giảm tổn thất điện năng của dây dẫn tiết kiệm 1 phần chi phí mà thôi.

Chưa kể, với những thiết bị điện giá rẻ, không rõ nguồn gốc, có thể tiềm ẩn những nguy cơ về cháy nổ, an toàn điện", Tuấn Thành nói.

40.000 đồng “bảo bối” tiết kiệm điện tới 40% và sự thật bất ngờ phía sau - Ảnh 2.

Các chuyên gia cảnh báo người dùng nên thận trọng khi mua thiết bị tiết kiệm điện giá rẻ.

Trước đó, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về việc người dùng mua các thiết bị trôi nổi kể trên. Thực tế, các thiết bị dạng này không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.

Để giúp giảm chi phí tiền điện, chuyên gia điện Trung Anh (trung tâm sửa chữa điện tử, điện lạnh tại Đống Đa, Hà Nội) cho hay, người dùng nên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, chú ý bảo dưỡng thiết bị điện để hiệu quả công suất tốt, tránh ngốn điện.

"Đơn cử, với điều hòa nhiệt độ thì nền nhiệt tốt nhất là 26-28 độ C. Máy được vệ sinh màng lọc, lắp đặt đúng cách và bảo dưỡng định kỳ hay đối với bình đun nước siêu tốc, không để lại nước quá lâu bên trong bình khiến bình dễ bị bám cặn, đậy kín nắp bình khi đun và đun lượng nước đúng quy định, vừa an toàn, vừa giúp tiết kiệm điện, thay vì tìm kiếm những thiết bị chưa được cơ quan chức năng chứng nhận hiệu quả", anh Trung Anh nói.

EVNHANOI mới đây cũng khuyến cáo khách hàng nhiều biện pháp như sử dụng điện hiệu quả như bật quạt gió kết hợp khi bật điều hòa ở nền nhiệt 26-28 độ C, có thể giúp tiết kiệm khoảng 2-3% điện năng so với bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.

Theo Hoàng Linh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên