MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4.700 tỷ đồng từ BIDV sang VNCB đã đi đâu?

26-07-2018 - 11:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Viện kiểm sát công bố 4.500 tỷ đồng không còn trên tài khoản của VNCB cũng như CBBank. Đại diện CBBank nói số tiền không được dùng cho cá nhân ông Phạm Công Danh hay các bị cáo khác mà để chi tiêu cho chính ngân hàng.

Trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, con số 4.500 tỷ đồng tiếp tục trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Tại phiên sáng 26/7, Viện kiểm sát (VKS) đã công bố Công văn 15/VKSTC- V3 về việc bổ sung tài liệu và chuyển hồ sơ vụ án Phạm Công Danh để tiếp tục xét xử. Kết quả điều tra cho thấy 4.500 tỷ đồng chưa được hạch toán theo quy định để tăng vốn điều lệ cho VNCB, không xác định rõ số tiền được sử dụng vào mục đích gì.

Số dư tại thời điểm ngày 26/7/2014 (thời điểm khởi tố vụ án) không còn 4.500 tỷ đồng và đến nay số tiền này không còn trên tài khoản của VNCB cũng như CBBank (tên gọi của VNCB sau khi NHNN mua lại với giá 0 đồng).

Đại diện CBBank cho biết khoản tiền 4.500 tỷ đồng đã được hòa chung dòng tiền của ngân hàng, không bóc tách được. Sau khi NHNN mua VNCB giá 0 đồng, số tiền này đã được dùng hết và dùng cho chính ngân hàng. Vị đại diện cũng khẳng định trước HĐXX rằng trên chứng từ, hồ sơ, 4.500 tỷ đồng không được dùng cho cá nhân ông Phạm Công Danh hay các bị cáo khác.

Phản hồi ý kiến, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng trong văn bản số 15 của VKS nói rằng không thể phân tách 4.500 tỷ đồng nhưng lại cho rằng khoản tiền này không còn trong ngân hàng. Bị cáo Phan Thành Mai cho đây là mâu thuẫn, mong VKS, HĐXX xem xét lại.

Bị cáo Phạm Công Danh cho rằng đối với khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, biên bản làm việc của cơ quan điều tra xác nhận đây là tiền lãi ngoài. Khoản tiền này là do sai phạm mà có, bị cáo mong HĐXX xem xét, thu hồi và khắc phục hậu quả. Bị cáo khẳng định không dùng một đồng nào của khoản tiền này, được phong tỏa và chuyển cho CBBank.

Theo cáo trạng, sau khi lập khống hồ sơ rút 4.700 tỷ đồng từ BIDV, Phạm Công Danh đã chuyển 4.000 tỷ đồng về tài khoản VNCB để thực hiện tăng vốn điều lệ. 500 tỷ đồng còn thiếu, Phạm Công Danh và đồng phạm lấy từ 200 tỷ đồng trong gói tín dụng vay từ TPBank, 300 tỷ đồng huy động từ các nguồn khác.

Số tiền 4.500 tỷ đồng từ đó đã được nộp sang tài khoản VNCB tại LienVietPostBank rồi về tài khoản của VNCB tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, VNCB không được NHNN chấp thuận nên số tiền đã không được sử dụng tăng vốn.

Kết luận điều tra bổ sung có nêu 4.500 tỷ đồng sau khi chuyển về tài khoản của VNCB đã hòa chung vào dòng tiền và được VNCB sử dụng cho các mục đích khác nhau. Cơ quan điều tra nêu không bóc tách chi tiết được số tiền dùng cho mục đích nào.

Ngày 5/3/2015, VNCB chuyển đổi thành CBBank do Nhà nước làm chủ sở hữu. Sau khi tiếp quản, CBBank có xin ý kiến NHNN về việc hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. CBBank chưa thể xử lý điều chỉnh hạch toán số tiền trên.

Do đó, CBBank đang chờ kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án giai đoạn 2 và hướng dẫn cụ thể của NHNN để xử lý hạch toán số tiền này.

Việc xác định 4.500 tỷ đồng được sử dụng ra sao và có cần thu hồi hay không là một vấn đề quan trọng trong vụ án. Theo luật sư Trần Minh Hải, người bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã nêu trong lần xét xử đầu tiên:

"VNCB đã bị khấu trừ 6.126 tỷ đồng tiền gửi do bảo lãnh vay vốn, VNCB cũng đã thu về ngay 4.500 tỷ đồng tiền từ khoản vay do chính ngân hàng bảo lãnh vay vốn. Rõ ràng thiệt hại thực sự của vụ án là kết quả của phép toán trừ, tức còn 1.626 tỷ đồng".

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên