5 biểu đồ cho thấy kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau như thế nào
Trọng tâm của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề thương mại. Hai bên đã là đối tác thương mại lớn trong nhiều năm.
- 28-09-2020Trừng phạt thêm một công ty, Mỹ đã đâm thẳng vào trọng tâm tham vọng công nghệ Trung Quốc như thế nào?
- 27-09-2020Chính sách khác nhau một trời một vực, nhưng Trump hay Biden thắng cử, Trung Quốc đều gặp khó
- 26-09-2020Thương vụ "bom tấn" của làng công nghệ chính là cơn ác mộng dành cho Trung Quốc?
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các nhà đầu tư và giới phân tích ngày càng lo ngại rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tách rời nhau hơn nữa – điều sẽ khiến các công ty gặp nhiều khó khăn hơn trong 1 nền kinh tế thế giới đã toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay.
Một số nhà quan sát nhận định đã có những dấu hiệu cho thấy 2 nền kinh tế Mỹ - Trung đã bắt đầu hoạt động theo 2 cách riêng hoàn toàn khác biệt. Trong những tháng gần đây, Washington đã bắt đầu tấn công vào một số tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc – như Huawei và TikTok, chặn đường kinh doanh ở Mỹ của họ.
Đáp lại, Bắc Kinh cũng đã đưa ra danh sách "các thực thể không đáng tin cậy" gồm nhiều công ty nổi tiếng Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cũng đã nhiều lần nói về khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới "ly hôn".
Tuy nhiên, theo CNBC, có rất nhiều dữ liệu cho thấy điều đó khó có thể xảy ra, ít nhất là ở thời điểm hiện tại bởi kinh tế Mỹ - Trung Quốc đã gắn kết chặt chẽ trong suốt nhiều năm nay.
Thương mại Mỹ - Trung
Trọng tâm của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề thương mại. Hai bên đã là đối tác thương mại lớn trong nhiều năm. Mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng phần nào bởi cuộc chiến thuế quan bắt đầu nổ ra từ năm 2018, nhưng tổng khối lượng hàng hóa và dịch vụ được trao đổi giữa hai bên vẫn đạt 636,8 tỷ USD trong năm ngoái. Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất khẩu sang quốc gia châu Á này, nhưng xét về dịch vụ thì cán cân đảo chiều.
Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa 141,9 tỷ USD với Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020. Nguồn: CNBC.
Bất chấp quá trình gọi là "decoupling" (tạm dịch: chia tách), ông Trump vẫn đang hối thúc Trung Quốc mua thêm nông sản của Mỹ để lấy lòng những người nông dân Mỹ - nhóm cử tri có ý nghĩa quan trọng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 tới.
Cả hai quốc gia cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại bằng cách buộc Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Mỹ theo những gì đã thỏa thuận trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký từ đầu năm nay.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục xấu đi do căng thẳng trầm trọng hơn và đại dịch khiến hoạt động kinh tế toàn cầu bị xáo trộn.
Mỹ ghi nhận thặng dư thương mại dịch vụ 11,74 tỷ USD với Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm.
Liên kết chuỗi cung ứng
Báo cáo được Fitch Ratings công bố tháng trước nhận định ngoài thương mại trực tiếp, Mỹ và Trung Quốc cũng đã trở nên "ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thông qua các liên kết chuỗi cung ứng đã nở rộ trong thập kỷ vừa qua".
Chuỗi cung ứng là 1 mạng lưới phức tạp gồm nhiều công ty cùng nhau cung cấp nguyên vật liệu thô hay các linh kiện để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn thiện có thể được tiêu thụ ngay ở trong nước hoặc trên toàn thế giới.
Rất khó để thu thập được dữ liệu chính xác về việc mỗi công ty đóng góp bao nhiêu vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, năm 2013 OECD đã công bố cơ sở dữ liệu phần nào miêu tả chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động như thế nào.
Số liệu mới nhất do OECD thu thập cho thấy năm 2015, nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài chiếm 12,2% - tương đương khoảng 2.200 tỷ USD – trên tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ ở Mỹ. Trung Quốc là nước cung cấp nhiều nhất. Một số nhà sản xuất Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc, nhiều nhất là các ngành dệt may, điện tử, kim loại cơ bản và máy móc.
Cơ cấu đầu vào hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ ở Mỹ (màu xanh là nước ngoài, màu vàng là nội địa)
Ở phía Trung Quốc, nguồn cung từ nước ngoài chiếm khoảng 14,2% (tương đương 1.400 tỷ USD). Mỹ cũng là nước đóng góp nhiều nhất. Tuy nhiên ngược lại Trung Quốc phụ thuộc nhiều nhất vào các dịch vụ từ Mỹ.
Cơ cấu đầu vào hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ ở Trung Quốc (màu xanh là nước ngoài, màu vàng là nội địa)
Dòng chảy đầu tư
Trong khi thương mại và chuỗi cung ứng là những thứ khó có thể đảo chiều nhanh chóng, dòng chảy đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng cạn kiệt khi quan hệ giữa hai bên xấu đi.
3 năm qua tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các thương vụ đầu tư mạo hiểm giữa hai quốc gia đã sụt giảm mạnh theo dữ liệu của Rhodium Group. Một xu hướng nổi lên rõ ràng là các thương vụ Trung Quốc thâu tóm tài sản Mỹ trong lĩnh vực công nghệ đã giảm mạnh, trong khi dòng vốn đầu tư mà Mỹ rót vào Trung Quốc vẫn khá vững vàng.
Nhiều công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc chia sẻ với Fitch rằng họ vẫn chưa có ý định rời đi. 83% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Fitch năm ngoái cho biết họ không xem xét chuyển địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tỷ lệ có dự định vẫn ở lại Trung Quốc đã tăng từ mức 77% trong năm 2017 lên 80% trong năm 2018.
Dòng chảy đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tham khảo CNBC