MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 ĐBQH bị dừng nhiệm vụ vì sai phạm: Quốc hội không bầu bổ sung

11-12-2017 - 15:34 PM | Xã hội

Hiện, đã có 5 đại biểu khóa XIV bị bãi miễn, cho thôi nhiệm vụ hoặc tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐBQH.

Quốc hội không bầu bổ sung thêm đại biểu

Chiều 8/12 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban kinh tế Trung ương) và ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam).

Trước đó, ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam) bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và hai người khác không được công nhận tư cách đại biểu là ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam)

Như vậy, Quốc hội khóa 14 có 496 người trúng cử, sau đó 2 người không được công nhận tư cách và 3 người khác bị dừng nhiệm vụ, thông tin trên báo VnExpress.

Trao đổi với báo Vietnamnet, Trưởng Ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ QH Trần Văn Tuý cho biết, khuyết 5 đại biểu cùng với việc tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh, hoạt động của Quốc hội không bị ảnh hưởng và Quốc hội cũng không bầu bổ sung thêm đại biểu.

Theo quy định, Quốc hội chỉ bầu bổ sung khi khuyết 1/3 số đại biểu, còn con số 500 ĐBQH là quy định số đại biểu tối đa chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải đủ.

5 đại biểu khoá XIV bị dừng nhiệm vụ ĐBQH

1. Ông Trịnh Xuân Thanh

Sáng 15/7/2016, 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử, trong đó trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).

Tất cả thành viên của Hội đồng bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh công bố chương trình hành động khi ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Truyền hình Hậu Giang.

Trước đó, ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp thứ IV và thứ V của ủy ban, trong đó chỉ rõ hàng loạt vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh trong quá trình công tác từ năm 2007 đến nay như: Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND tình Hậu Giang.

Dù có nhiều sai phạm nhưng vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu…

Với các sai phạm, khuyết điểm trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật với ông Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, không công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

2. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Chiều 17/7, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID group), Đại biểu Quốc hội khoá XIII, vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV đã bị 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Ảnh: Báo Pháp luật

Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trên báo VnExpress, bà Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam. Hiến pháp quy định "Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam".

Điều 4, Luật quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ "Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".

"Căn cứ vào Luật Quốc tịch thì Nhà nước chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là công dân Việt Nam, lại đăng ký thêm một quốc tịch nước ngoài nữa. Có hai quốc tịch là vi phạm quy định nêu trên", ông Phúc nói và xác nhận bà Nguyệt Hường có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.

3. Ông Võ Kim Cự

Ngày 15/5, ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam), vì ông này đã bị thi hành kỷ luật và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu với lý do sức khỏe.

Ông Võ Kim Cự.

Trước đó, ngày 21/4, Ban bí thư đã công bố kết luận kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên Môi trường và một số cán bộ có vi phạm nghiêm trọng trong vụ Formosa xả thải hủy diệt môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

Căn cứ mức độ vi phạm, Ban bí thư quyết định cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, gồm cả các chức vụ Bí thư ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh của ông Võ Kim Cự.

4. Ông Đinh La Thăng

Chiều 8/12, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 18 thảo luận về tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Ông Đinh La Thăng: Ảnh: QH

Tại phiên họp, sau khi nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đọc tờ trình, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, tiến hành biểu quyết với tỷ lệ nhất trí cao thông qua nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV".

Theo đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thanh Hóa, đã có liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang tiến hành điều tra.

5. Ông Nguyễn Quốc Khánh

Chiều 8/12, trong một phiên họp bất thường, trên cơ sở tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với tỷ lệ nhất trí cao thông qua nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với ông Nguyễn Quốc Khánh.

Ông Nguyễn Quốc Khánh. Ảnh: Vietnamnet

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là người đứng đầu PVN giai đoạn 2011-2015, ông Khánh phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu sai luật khi chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây hậu quả nghiêm trọng. Ông cũng bị liên đới trước những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học...

Tổng hợp

Theo PV ( Tổng hợp)

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên