MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 điều tối kỵ chốn công sở: Đừng để "vạ miệng" cản trở sự nghiệp của bạn

28-06-2017 - 08:45 AM | Sống

"Họa từ miệng mà ra", bạn nhất định phải ghi nhớ điều này trong cuộc đời. Tất cả những lời nói nơi công sở, dù bông đùa, vui vẻ cũng cần phải cân nhắc. Một khi lời nói ra, bạn sẽ không lường được hệ quả nó đem lại.

Bạn có thể cho rằng, mình may mắn khi làm việc cùng những đồng nghiệp thân thiết không khác gì bạn thân. Đồng nghiệp càng thân thiện, bạn càng có nhu cầu trao đổi thông tin, chia sẻ nhiều thông tin riêng tư với họ. Điều đó không có gì sai, bởi ở chốn công sở nhiều thị phi, tìm được một người đồng nghiệp có thể chia sẻ, tâm sự thì không có gì đáng quý hơn.

Nhưng dù thế nào thì chốn công sở cũng có những nguyên tắc không thể bỏ qua. Dưới đây là 5 điều tối kỵ bàn luận tại công sở, nếu bạn không muốn nhận lại những hậu quả khó lường.

1. Tiền lương

Thảo luận với đồng nghiệp về mức lương là điều tối kỵ. Tiền bạc là một chủ đề nhạy cảm, ngay cả trong mối quan hệ bạn bè ngoài nơi làm việc. Cố vấn nhân sự Samantha Moyer của trường cao đẳng Marymount Manhattan cho biết: "Đừng thảo luận với đồng nghiệp về mức lương, thưởng của cá nhân bạn. Nếu bạn biết rằng, công ty đãi ngộ khác nhau giữa các nhân viên, điều đó sẽ dẫn đến sự oán giận của bạn hoặc của đối phương".

Khi được hỏi về mức lương hiện tại, tốt nhất bạn nên tránh hoặc trả lời khéo léo theo cách của bạn.

2. Những câu chuyện về cuộc sống riêng tư

Đồng nghiệp sẽ khó đánh giá bạn nghiêm túc nếu họ biết về những cuộc vui cuối tuần của bạn với đám bạn thân, những mối quan hệ cá nhân, riêng tư của bạn... Ngay cả khi bạn làm việc với những người cùng lứa tuổi, thân thiện, bạn cũng có nguy cơ bị sếp lên tiếng nhận xét về "kì nghỉ vui vẻ quá đà" vào cuối tuần hay những mối quan hệ riêng có thể gây tranh cãi...

Khi đang tìm cách khẳng định bản thân trong công việc, tốt nhất bạn nên giữ lí lịch của mình trong sạch và nghiêm túc. Vì vậy, hãy kiểm soát bản thân trong những buổi tiệc văn phòng, hạn chế uống rượu, bia và những lời nói của mình. Bất kỳ cuộc trò chuyện riêng tư nào với đồng nghiệp cũng nên có một giới hạn nhất định. Nơi công sở, mối quan hệ đồng nghiệp và các nhiệm vụ của bạn bao giờ cũng được đặt trước tình bạn.

3. "Tán gẫu" về người khác

Hãy tránh những cuộc tán gẫu về đồng nghiệp vắng mặt nơi công sở.

Hãy tránh những cuộc tán gẫu về đồng nghiệp vắng mặt nơi công sở.

Những câu chuyện tán gẫu ở văn phòng luôn thu hút sự chú ý của dân công sở. Nhưng chủ đề tán gẫu lại là điều khó kiểm soát. Có thể rất nhiều người đồng tình rằng sếp quá khó tính, lắm mưu; có thể nhiều người cùng chỉ trích một đồng nghiệp vắng mặt... Nhưng khi câu chuyện đi quá xa, bạn sẽ không thể kiểm soát được hậu quả nó đem lại.

Tất cả những lời tán gẫu nơi công sở có tính "sát thương" đáng kể, hậu quả bạn sẽ không thể lường trước. Khi bị lôi kéo vào một trò đùa không phù hợp, hãy kiên định đứng ngoài cuộc hoặc chờ chủ đề thay đổi rồi mới tham gia.

4. Than phiền về áp lực công việc

Đây là một chủ đề bạn không nên thảo luận với đồng nghiệp. Khi than thở về áp lực công việc, bạn đang truyền đi một thái độ tiêu cực và người khác có thể đánh giá bạn là một kẻ lười biếng. Đồng nghiệp cũng có chung môi trường làm việc giống bạn, mọi người chịu áp lực công việc như nhau, vì vậy đừng than thở, kêu ca.

Khi đến với môi trường làm việc, bạn không nên biểu hiện cảm xúc thật ra ngoài quá nhiều để người ta phát hiện được con người thật của bạn. Đôi khi, những điều bạn thể hiện có thể vô tình bị lợi dụng, gây bất lợi cho chính bạn.

Đừng bao giờ than phiền về công việc với đồng nghiệp.

Đừng bao giờ than phiền về công việc với đồng nghiệp.

5. Chia sẻ về kế hoạch nhảy việc

Ngay cả khi bạn nghĩ rằng đó là đồng nghiệp thân thiết và có thể tin tưởng, bạn cũng không nên chia sẻ kế hoạch đổi việc của mình quá sớm. Tốt nhất, đừng đề cập đến vấn đề đổi việc của cá nhân bạn cho đến khi mọi thủ tục hoàn thành.

"Bạn nên trình bày quyết định nghỉ việc của mình với sếp trực tiếp đầu tiên. Đừng để sếp nghe thông tin về kế hoạch nghỉ việc của bạn từ đồng nghiệp. Nếu điều đó xảy ra, tốt nhất bạn nên ngay lập tức gặp ông chủ và nói về quyết định của mình", chuyên gia nhân sự Moyer khuyên.

Khi kế hoạch rời bỏ công ty của bạn vô tình bị tiết lộ, rất có thể sếp sẽ dè chừng, cắt giảm dần mối quan hệ với bạn và nhanh chóng "loại bạn khỏi cuộc chơi" trước khi bạn thực sự sẵn sàng.

Ngay cả khi sếp chấp thuận cho bạn nghỉ việc, thông tin dò rỉ cũng sẽ khiến không khí văn phòng căng thẳng cho đến khi bạn chính thức rời đi. Nếu quá phấn khởi về công việc mới, tương lai mới, bạn nên thảo luận với người thân hay bạn bè thân thiết, chứ không phải đồng nghiệp.

Thu Hoài

Her Campus

Trở lên trên