MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5.000 nhân viên Trung Nguyên viết tâm thư tố cáo bà Lê Hoàng Diệp Thảo “bịa đặt, phá hoại bằng thủ đoạn thâm độc”, làm tê liệt toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kìm hãm sự phát triển của Tập đoàn

18-11-2019 - 08:45 AM | Doanh nghiệp

Trước phiên tòa phúc thẩm ngày 18/11, cả bà Diệp Thảo lẫn Trung Nguyên đều có những động thái khác nhau để tranh thủ sự đồng tình của dư luận. Không hẹn mà gặp, cả hai đều gửi lời ‘cầu cứu’, phía bà Thảo là cho chính cá nhân và con cái của bà, còn phía Trung Nguyên là cho 5.000 nhân viên của công ty.

Mới đây, Tập đoàn Trung Nguyên đã công khai đơn 'cầu cứu' với nội dung "giúp đỡ chúng tôi (Trung Nguyên) trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật", cài đặt sẵn ngay cổng vào website tiếng Việt của doanh nghiệp này. Người đứng ra đại diện làm đơn là Ban Chấp hành công đoàn cơ sở Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Nội dung cơ bản là tố cáo ‘hành vi bất chính’ của bà Diệp Thảo, kêu gọi các Cơ quan ban ngành, các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của 5.000 người lao động tại Trung Nguyên.

Nội dung chính của đơn như sau:

Thương hiệu Trung Nguyên được ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cha mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước góp vốn thành lập vào ngày 15/08/1996. Toàn bộ số vốn khởi nghiệp của Trung Nguyên là của ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước do phải bán toàn bộ gia sản là 2 căn nhà và các mẫu ruộng để cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp, lập "Hãng cà phê Trung Nguyên".

Hơn hai năm sau khi khởi nghiệp, năm 1998, ông Vũ kết hơn với bà Thảo. Dó đó, bà Thảo không phải là người sáng lập Trung Nguyên. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người có góp công sức vào sự phát triển của thương hiệu Trung Nguyên. Những gì bà Thảo được hưởng là do sự rộng lượng, không tính toán của cha mẹ ông Vũ vì tất cả là của cha mẹ ông Vũ, nhưng cha mẹ ông Vũ đã để lại cho con trai và con dâu được hưởng nhiều nhất.

5.000 nhân viên Trung Nguyên viết tâm thư tố cáo bà Lê Hoàng Diệp Thảo “bịa đặt, phá hoại bằng thủ đoạn thâm độc”, làm tê liệt toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kìm hãm sự phát triển của Tập đoàn - Ảnh 1.

Phần đầu đơn 'cầu cứu' của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày 17/11/2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nộp đơn xin ly hôn yêu cầu phân chia tài sản với ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Tòa án nhân dân TP. HCM. Từ đó đến nay, bà Thảo đã liên tục có phát sinh tranh chấp 19 vụ kiện tụng, yêu cầu Tòa án áp dụng 12 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Nhà sáng lập – Chủ tịch – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ác công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, liên quan đến quyền quản lý – điều hành Tập đoàn.

Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nghiêm trọng hơn, bà Thảo đã liên tục có những đơn vu cáo gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM, Cơ quan CSĐT Bình Dương với nội dung bịa đặt thông tin sai sự thật về việc ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự.

Ngoài ra, bà Thảo còn vu cáo và khủng bố tinh thần đối với một số lãnh đạo chủ chốt, các cấp quản lý và người lao động của Tập đoàn Trung Nguyên về việc cho rằng những người này đã thao túng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của Trung Nguyên, vu cáo người lao động và Công ty Trung Nguyên làm giả hồ sơ, tài liệu.

Với hàng loạt các hành vi mang tính chất vu cáo, phá hoại ngày càng leo thang khốc liệt; hàng loạt các thủ đoạn thâm độc, bịa đặt thông tin sai sự thật của bà Thảo nhằm mục đích chiếm đoạt bằng được Tập đoàn Trung Nguyên, thông qua việc tìm mọi cách tranh đoạt, phá nát, làm tê liệt toàn bộ các hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như kìm hãm sự phát triển của Tập đoàn.

5.000 nhân viên Trung Nguyên viết tâm thư tố cáo bà Lê Hoàng Diệp Thảo “bịa đặt, phá hoại bằng thủ đoạn thâm độc”, làm tê liệt toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kìm hãm sự phát triển của Tập đoàn - Ảnh 2.

Phần sau của lá đơn kêu cứu.

Thời gian qua, Ban chấp hành công đoàn cơ sở - Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên đã nhận được rất nhiều đơn thu khiếu nại từ người lao động về việc đề nghị Ban chấp hành công đoàn xem xét, hỗ trợ giúp đỡ người lao động có thể an tâm làm việc, tạo môi trường làm việc thuận lợi, giúp bảo vệ uy tín, danh dự vào nhân phẩm của người lao động trước những tin tức bôi nhọ, xúc phạm được đăng tài trên các báo chí – truyền thông từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Các nội dung vu cáo, bịa đặt thông tin sai sự thật nói trên của bà Thảo đã được Cơ quan Công an có thẩm quyền bác bỏ: cụ thể, qua quá trình xác minh, điều tra bà Thảo đã tự nguyện rút đơn tố cáo tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công An TP. HCM với lý do bà Thảo không cung cấp được chứng cứ chứng minh tội phạm. Đến ngày 24/5/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an cũng đã có văn bản kết luận nội dung tố cáo của bà Thảo bản chất là tranh chấp dân sự về quyền điều hành, quyền sở hữu tài sản tại Trung Nguyên, trong nội bộ gia đình.

Bất chấp các văn bản kết luận điều tra của Bộ Công an, cơ quan Công an có thẩm quyền nêu trên, bà Thảo vẫn có tình bịa đặt thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự - uy tín của Tập đoàn Trung Nguyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho người lao động.

Vì các lẽ trên

Với tư cách đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở - Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên kính đề nghị Quý cơ quan có thẩm quyền quan tâm xem xét – bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động, bảo vệ uy tín và thương hiệu Trung Nguyên, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với hành vi vu cáo bịa đặt thông tin sai sự thật, phá hoại tổ chức của bà Thảo. Qua đó, giúp cho người lao động có thể an tâm làm việc, tránh gây ra những tâm lý bất ổn không cần thiết, tránh làm xáo trộn hoạt động kinh doanh sản xuất của Tập đoàn Trung Nguyên do những hành vi bất chính mà bà Thảo đã gây ra trong suốt thời gian qua.

5.000 nhân viên Trung Nguyên viết tâm thư tố cáo bà Lê Hoàng Diệp Thảo “bịa đặt, phá hoại bằng thủ đoạn thâm độc”, làm tê liệt toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kìm hãm sự phát triển của Tập đoàn - Ảnh 3.

Ông Trịnh Ty - Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Trung Nguyên chính là người đại diện ở đơn 'cầu cứu' nói trên. Ảnh: gcrmag

Còn trên Fanpage chính thức của mình và trong buổi gặp gỡ phóng viên chiều 17/11, bà Diệp Thảo đã phủ nhận tất cả những tố cáo nói trên của Trung Nguyên.

Trên Fanpage bà Thảo đã viết như sau:

Hay nói cách khác, nếu không có những đồng vốn của tôi đưa cho anh Vũ trong 3 thời điểm ngặt nghèo nhất, thì không bao giờ tồn tại Trung Nguyên trên cõi đời này để mà những kẻ tham lam vô độ hùa vào cướp trắng.

Lần thứ 1: Tại thời điểm mới lập nghiệp, 1996 người chú nuôi cho thuê căn nhà gỗ ọp ẹp để làm hãng cà phê Trung Nguyên với giá 1 triệu đồng. Đột nhiên, ông ấy đã đòi lại vốn và đòi lại nhà. Tôi phải đưa tiền cho anh Vũ.

Lần thứ 2: Khi còn là 1 sinh viên nghèo vào Sài Gòn để tìm người đỡ đầu, anh Vũ đã bị 1 người chú họ rất giàu có nhưng không những không giúp, không cưu mang mà còn đuổi ra đường. Điều đáng nói, ông này không góp một đồng vốn nào nhưng lại yêu cầu rút vốn. Khi ấy, anh Vũ không có mà đưa thì bị người chú họ lấy hết nguyên liệu làm cà phê, khiến việc kinh doanh của anh Vũ bị điêu đứng. Tôi cũng đã phải đưa tiền vốn của mình cho anh Vũ vực lại kinh doanh.

Lần thứ 3: Vì không nghe lời tôi khuyên mà anh Vũ đã đồng ý hợp tác với 1 người để lập nghiệp lại Long Xuyên năm 1997 và sau 8 tháng đã thua lỗ, phá sản hoàn toàn. Khi ấy, tôi phải bỏ việc của mình đang làm ở bưu điện để đồng ý kết hôn cùng anh. Khi tôi về ở với anh 1998, tôi đã đưa anh vốn liếng, từng bước điều hành Trung Nguyên, trực tiếp thay đổi toàn bộ cục diện kinh doanh của Trung Nguyên.

Mặc dù vậy, họ đặt điều cho rằng anh Vũ đã giàu có từ năm 1986.

Rồi họ nói rằng cha mẹ anh đã bán 2 căn nhà ở huyện M’Drak. Hiện 2 căn nhà vẫn còn đó. Năm 1995, 2 căn này bán được 50 triệu nhưng người mua thì mặc cả, yêu cầu giảm xuống 30 triệu, rồi lại xin trả góp, mãi đến mấy năm sau mới trả hết. Như vậy, lấy đâu tiền để họ bịa đặt rằng tiền anh Vũ xây dựng Trung Nguyên là do bán nhà mà ra?

Gần đây, luật sư của tôi có về lại căn nhà này và đã gặp người chủ mua căn nhà. Luật sư tôi đã ghi nhận lại toàn bộ sự việc để có bằng chứng xác thực, chấm dứt luận điệu dối trá của họ.

Bà Thảo nói rằng, mình vẫn đang tiếp tục gửi hồ sơ về những hành vi ‘rút ruột Trung Nguyên’ của các ‘nhóm lợi ích’ cho các cơ quan Công an và Cảnh sát điều tra. Bà tin rằng đây không phải là chuyện của gia đình bà, mà nó tổn hại đến các lợi ích của cổ đông và sự minh bạch trong hoạt động của một Tập đoàn lớn, cần phải đưa ra Tòa án hình sự.

Với những lời chia sẻ hoàn toàn trái ngược từ hai phía, nếu không phải là người trong cuộc và biết 'thâm cung bí sử' của nhà Trung Nguyên, thì thật là khó để biết đâu là sự thật.

Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ

Trở lên trên