765 triệu USD chưa kể phần 'bí mật', y tế Việt Nam tấp nập 15 thương vụ M&A: 2 bệnh viện quốc tế trao tay với giá trên 100 triệu USD
Thomson Medical Group mua lại toàn bộ bệnh viện FV, CVC Capital mua Bệnh viện quốc tế Phương Châu, Quadria Capital mua Con Cưng, Công ty TNHH 24HMoney mua cổ phần của Parkway Dental... là một số thương vụ đáng chú ý.
- 09-02-2024Biwase và 5 thương vụ M&A hàng trăm tỷ của ngành nước năm 2023
- 20-12-2023Xuất hiện cổ đông mới "bí ẩn", OCH chi mạnh cho M&A: Vừa mua Kem Tín Phát đã mua tiếp công ty chế biến thực phẩm, lãi 9 tháng đột biến
- 14-12-2023Sau khi M&A 4 công ty tại nước ngoài trong năm 2023, FPT tiếp tục thành lập DN công nghệ ô tô có trụ sở tại Mỹ
Báo cáo thị trường M&A của BDA Partners thống kê, ngành y tế, chăm sóc sức khoẻ là một trong những ngành có hoạt động M&A sôi động nhất trong năm 2023, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch, khi có tới 15 thương vụ diễn ra trong năm 2023 với tổng giá trị được công bố đạt gần 765 triệu USD.
Giá trị giao dịch trung bình trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2023 tăng so với năm trước (trung bình khoảng 100 triệu đô la Mỹ năm 2023 so với khoảng 65 triệu đô la Mỹ năm 2022).
Những thương vụ đáng chú ý
Trong số các thương vụ M&A ngành y tế năm 2023 công khai giá trị, thương vụ Thomson Medical Group mua lại toàn bộ bệnh viện FV có giá trị cao nhất với 381,4 triệu USD, sau đó là thương vụ CVC Capital mua Bệnh viện quốc tế Phương Châu với 116 triệu USD. Đây là 2 thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD.
Thương vụ đầu tư vào Bệnh viện Xuyên Á (hệ thống bệnh viện có quy mô 6.000 giường bệnh) của Warburg Pincus cũng gây chú ý nhưng không công bố giá trị.
Một thương vụ khác đáng chú ý đó là thương vụ Công ty TNHH 24HMoney mua cổ phần của Parkway Dental. Theo thông tin trên 24HMoney, khoản đầu tư chiến lược có giá trị dưới 5 triệu USD.
Công ty TNHH 24HMoney, đơn vị sở hữu và vận hành Mạng xã hội đầu tư tài chính, kinh tế 24HMoney được sáng lập và điều hành bởi ông Phan Minh Tâm, người đã thành công với nhiều thương hiệu lớn như 24H, 30Shine, Siêu Việt…
Với việc rót hàng triệu USD cho chuỗi nha khoa Parkway, ông Phan Minh Tâm chia sẻ: “24HMoney mong muốn tìm các thương quyền đầu tư vào các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng tăng trưởng, có vị thế tốt trong ngành. Cùng với việc hỗ trợ về tài chính, chúng tôi cũng chia sẻ về và đóng góp về “know-how” để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược, vận hành và quản trị rủi ro”.
Sức hấp dẫn của thị trường chăm sóc sức khoẻ Việt Nam
BDA Partners đánh giá chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có các hoạt động M&A sôi động nhất trong năm 2023, tính cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch, nhờ vào các yếu tố sau đây:
Sự ổn định và khả năng chống chọi trước suy thoái kinh tế: Trong thời kỳ suy thoái, chăm sóc sức khỏe vẫn là một ngành ổn định vững chắc. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe là nhu cầu thiết yếu căn bản, không bị ảnh hưởng bởi các biến động trong nền kinh tế chung. Kể cả khi tình hình kinh tế đối mặt với nhiều thử thách, người dân vẫn cần sử dụng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, do đó, từ quan điểm của các nhà đầu tư, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được đánh giá là một trụ cột ổn định.
Các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu: Các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi giúp tăng thêm sự hấp dẫn của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Với quy mô dân số lớn hơn 100 triệu người và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, dự đoán sẽ chiếm hơn 70% dân số vào năm 2030 so với 40% vào năm 2020, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các cơ sở y tế chất lượng ngày càng tăng cao. Sự chuyển dịch cơ cấu dân số này giúp thúc đẩy nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, làm tiền đề vững chắc cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ: Nhu cầu đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam là rất lớn. Trong quá khứ, các dịch vụ này chủ yếu do các cơ sở y tế công lập cung cấp, dẫn đến tình trạng quá tải tại các thành phố lớn và áp lực không nhỏ lên đội ngũ nhân viên y tế. Các cơ sở y tế tư nhân đã và đang nổi lên như một phương án bổ sung và hỗ trợ cho hệ thống y tế công, mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người dân Việt Nam. Tuy vậy, nhu cầu của người dân vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, vào năm 2022, Việt Nam có 2,9 giường bệnh trên 1.000 người, thấp hơn mức khuyến nghị của WHO là 5 giường trên 1.000 người. Về số lượng bác sĩ, vào năm 2022, Việt Nam có 0,9 bác sĩ trên 1.000 người, thấp hơn mức khuyến nghị của WHO là 2,5 bác sĩ trên 1.000 người và thấp hơn nhiều so với mức của các nước phát triển là 3-4 bác sĩ trên 1.000 người. Khi thu nhập khả dụng tăng và nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng trở nên cấp thiết, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tư nhân đã trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Nhận thức về sức khỏe được nâng cao hơn: Nhận thức về sức khỏe đã được nâng cao một cách đáng kể trong thời gian qua, thể hiện qua số liệu mức chi tiêu hàng năm của người Việt Nam cho các hàng hóa và dịch vụ y tế, tăng từ 90 đô la Mỹ vào năm 2017 lên đến 141 đô la Mỹ vào năm 2022. Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể, mức chi tiêu trung bình của người Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 709 đô la Mỹ.
Trải nghiệm sống qua đại dịch cùng với việc tiếp cận các thông tin và nội dung về sức khỏe và lối sống lành mạnh, người dân ngày càng có xu hướng tăng chi tiêu để nâng cao chất lượng sức khỏe. Xu hướng này góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, giúp cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trở nên hấp dẫn hơn từ góc độ đầu tư.
Cải thiện khung pháp lý: Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 hướng tới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Một số thay đổi đáng chú ý bao gồm việc bỏ yêu cầu phải có chấp thuận M&A khi giao dịch mua bán không dẫn tới việc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp tăng lên, và một số thay đổi nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số, ví dụ như điều chỉnh ngưỡng sở hữu cổ phần của cổ đông/nhóm cổ đông để yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông từ 10% xuống còn 5%.
Yếu tố khan hiếm: Ở Hà Nội và trước đây ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có của các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong khu vực nội thành là không được cho phép. Do đó, các dự án đã được cấp phép và các cơ sở đã đi vào hoạt động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và thường được giao dịch với mức giá cao hơn so với giá trung bình trên thị trường.