6 dự án bất động sản bỏ hoang kỳ lạ nhất trên thế giới
Không phải mọi quyết định kinh doanh đều thông minh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Thế giới không thiếu những ngôi nhà, khách sạn và khu nghỉ dưỡng ấn tượng nhưng không còn được sử dụng. Cho dù đó là vì kinh tế, tài chính hoặc bất kỳ lý do gì, các công trình này đã trở thành tượng đài đổ nát, gợi nhớ về quá khứ buồn.
Sutyagin House
Doanh nhân Nikolai Petrovich Sutyagin ở Arkhangelsk, Nga bắt đầu xây dựng ngôi nhà gỗ khổng lồ vào năm 1992. Công trình cao gần 44 m với 13 tầng và phải mất hơn 15 năm để xây dựng. Khi hoàn thành, một số người gọi đây là "kỳ quan thứ 8 của thế giới". Ảnh: Wikimedia Commons.
Sutyagin cho biết chiều cao ấn tượng của ngôi nhà là một "tai nạn”. "Đầu tiên tôi thêm 3 tầng nhưng sau đó ngôi nhà trông vô duyên, giống như một cây nấm. Vì vậy, tôi thêm một tầng nữa và vẫn không ổn nên tôi tiếp tục xây", Sutyagin nói với Daily Telegraph. Ảnh: Wikimedia Commons.
Khi ông vào tù vì tội lừa đảo, ngôi nhà bị bỏ hoang và bắt đầu sụp đổ. Cuối cùng Sutyagin House được coi là có nguy cơ gây hỏa hoạn. Các phần được gỡ xuống trong năm 2009 để giảm rủi ro. Phần còn lại bị phá hủy trong một vụ cháy năm 2012. Ảnh: Wikimedia Commons.
Sanzhi Pod City
Công trình thành phố Tam Chi được xây dựng vào năm 1978 làm khu nghỉ mát bên bờ biển cho quân đội Mỹ tại Đài Loan. Mỗi nhà trong thành phố được chế tạo giống với UFO, trở thành một thị trấn của tương lai. Ảnh: Wikimedia Commons.
Thành phố không bao giờ được mở vì thua lỗ đầu tư vào năm 1980. Nguyên nhân đằng sau không được làm rõ. Vì nhiều công nhân tự sát trong khi xây dựng, mọi người tin rằng thành phố bị ma ám. Một giả thuyết khác là có một nghĩa địa Hà Lan bên dưới các tòa nhà. Ảnh: Wikimedia Commons.
Thành phố mục nát và không được dùng đến trong nhiều năm cho đến khi bị phá hủy vào năm 2010. Ảnh: Wikimedia Commons.
Khách sạn Ryugyong
Năm 1987, Triều Tiên xây một tòa kim tự tháp 107 tầng ở thủ đô Bình Nhưỡng để làm khách sạn, nhưng chưa bao giờ chào đón vị khách nào trong nhiều thập kỷ. Khách sạn Ryugyong luôn nằm trong bóng tối, ngoại trừ ánh sáng trên đỉnh để cảnh báo máy bay. Ảnh: Getty Images.
Khách sạn hiện là tòa nhà không người ở cao nhất thế giới. Kế hoạch xây dựng dự kiến là 2 năm nhưng đã kéo dài trong nhiều năm. Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Triều Tiên bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và dự án phải tạm dừng vô thời hạn. Đến năm 2008, chính phủ bắt đầu cải tạo ngoại thất, hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, tòa nhà vẫn đóng cửa. Ảnh: Getty Images.
Năm 2018, chính phủ biến tòa nhà thành một màn trình diễn ánh sáng. Với 100.000 đèn LED, tòa nhà rực sáng với ảnh của các nhà lãnh đạo chính trị, sự kiện và tượng đài nhưng bên trong vẫn tối. Ảnh: Getty Images.
Burj Al Babas
Vào năm 2014, một nhà phát triển bắt đầu xây dựng loạt biệt thự giống như lâu đài thu nhỏ. Cộng đồng, được gọi là Burj Al Babas, nằm ở chân núi phía tây bắc của Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Mudurnu. Nhà ở đây giống hệt nhau, với mái thiết kế công phu màu xanh lam và toát lên đẳng cấp hoàng gia. Ảnh: Getty Images.
Dự án có hơn 732 biệt thự; 350 căn đã được bán cho các nhà đầu tư Arab giàu có. Những ngôi nhà có giá 400.000 đến 500.000 USD. Ảnh: Getty Images.
Nhiều người mua rút khỏi thỏa thuận khi Thổ Nhĩ Kỳ trải qua suy thoái kinh tế, khiến thị trấn bị bỏ hoang. Công ty phát triển nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi tất cả người mua bỏ đi. Bất ổn chính trị, lạm phát cao hơn và giá dầu giảm đều góp phần vào sự sụp đổ này. Burj Al Babas hy vọng sẽ mở cửa trở lại vào cuối năm 2019. Ảnh: Getty Images.
Thiên Đô Thành
Trung Quốc có nhiều thị trấn “ma” kỳ quái, nhưng Thiên Đô Thành nổi bật vì là bản sao của Paris. Dự án khởi công vào năm 2007 ngay bên ngoài Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
Thiên Đô Thành có cả tháp Eiffel riêng cao gần 108 m. Mặc dù thành phố được xây dựng cho 10.000 người, nhưng chỉ có 2.000 người sống. Ảnh: Reuters.
Khu nghỉ mát Thiên Đô Thành mở cửa cho khách du lịch với giá 82 USD một đêm. Bạn có thể ghé thăm bản sao của các đài phun nước bên ngoài Cung điện Versailles hoặc đi dạo dọc những con đường lấy cảm hứng từ châu Âu. Ảnh: SBS Dateline.
Cơ sở hạ tầng Olympics ở Athens
Chính phủ Hy Lạp chi một khoản tiền lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội 2004 ở Athens, nhưng bây giờ tất cả tòa nhà đều bị bỏ hoang. Thực trạng này khá phổ biến ở các nước từng đăng cai nhưng trường hợp của Athens đặc biệt hơn cả vì quốc gia này vượt quá 15 tỷ USD so với ngân sách. Ảnh: Getty Images.
Khi Hy Lạp gặp vấn đề kinh tế nghiêm trọng, các địa điểm Olympics trở nên đổ nát vì không được sử dụng. Ảnh: Getty Images.
Sân bóng chuyền nằm trong đống đổ nát. Ảnh: AP.
Người đồng hành