Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam dùng nguồn vốn nhàn rỗi để làm gì?
6 tháng đầu năm 2018, BHTGVN thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đạt 1.274 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi từ trái phiếu (1.272 tỷ đồng).
Thực hiện quy định về việc công bố thông tin về hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2015 của Chính phủ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vừa có công bố về hoạt động trong năm 2017, nửa đầu năm 2018, kế hoạch năm 2018,...
Trong năm 2017, BHTGVN đã thực hiện thu phí BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG với tổng số phí thực thu là 5.866,6 tỷ đồng, tăng 970,41 tỷ đồng (tăng 19,82%) so với năm 2016. "Nhìn chung, các tổ chức tham gia BHTG đã thực hiện nghiêm túc việc tính và nộp phí theo quy định", báo cáo cho biết.
Đến ngày 31/12/2017, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đã đầu tư của BHTGVN là 38.124,06 tỷ đồng, tăng 7.068,06 tỷ đồng (tăng 22,76%) so với năm 2016, hầu hết lượng vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Trong năm 2017, tổng số tiền đầu tư là 11.804,71 tỷ đồng, kết quả hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi là 2.136,76 tỷ đồng, tăng 234,6 tỷ đồng (tăng 12,33%) so với năm 2016.
Năm 2017, tổng thu nhập của BHTGVN đạt 484,13 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch. Tổng chi phí là 357,76 tỷ đồng, đạt 96,4% kế hoạch. Chênh lệch thu nhập – chi phí (cả lương) là 126,36 tỷ đồng, đạt 115,9% kế hoạch.
Năm 2017, mức tiền lương bình quân của người lao động BHTGVN là 16,46 triệu đồng/tháng; kế hoạch năm 2018 là 18 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương cơ bản bình quân của người quản lý là 29 triệu đồng/tháng trong năm 2017 (dự kiến không thay đổi trong năm 2018). Hiện doanh nghiệp có 13 cán bộ thuộc diện quản lý.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lợi nhuận của BHTGVN đạt 115,7 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đạt 1.274 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi từ trái phiếu (1.272 tỷ đồng).
Báo cáo cũng cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã rót 42.528 tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ trong đó nhiều nhất là kỳ hạn 5 năm với 19.768 tỷ đồng, tiếp đến là kỳ hạn 20 năm với 6.840 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm với 5.803 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm với 3.582 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm với 3.349 tỷ đồng và kỳ hạn 3 năm với 1.284 tỷ đồng.
Năm 2018, BHTGVN đặt kế hoạch thu phí bảo hiểm tiền gửi đạt 6.580 tỷ đồng, số tiền dự kiến đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi trong năm 2018 là 12.012 tỷ đồng. Tổng doanh thu kế hoạch năm 2018 là 2.552 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi năm 2018 là 2.540 tỷ đồng.
BGTGVN cũng giải trình việc không hoặc chưa thực hiện công bố một số báo cáo công bố thông tin. Chẳng hạn, về báo cáo xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP, BHTGVN cho biết theo quy định tại Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012 và các văn bản điều chỉnh về tổ chức bảo hiểm tiền gửi không có quy định BHTGVN phải thực hiện lập Kế hoạch SXKD và ĐTPT 5 năm của BHTGVN và báo cáo NHNNVN có ý kiến và giao các chỉ tiêu kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm.
Với đặc thù là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, đảm bảo sự phát triển an toàn của hoạt động ngân hàng, BHTGVN đang xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.