MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

60% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm nay, 60% sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới.

Việt Nam được xác định là thị trường trọng điểm của các nhà đầu tư Nhật Bản - đây là nhận định từ đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) khi khảo sát cho thấy nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp Nhật tại nước ta rất khả quan.

Theo đó, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm nay, 60% sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản đang cho thấy xu hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng, tối ưu kinh doanh khi không ít đơn vị đầu tư cả vào mảng sản xuất và phân phối. Điều này giải thích lý do, hàng loạt tên tuổi bán lẻ hay tiêu dùng của Nhật vẫn theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn về sức mua.

Sau khi mua lại một công ty trong nước thông qua M&A vào năm ngoái để sản xuất tại Việt Nam, ông lớn trong ngành sản xuất sữa của Nhật - Morinaga Milk Industry đã tiếp tục tăng đầu tư. Thông qua việc thành lập liên doanh, nối dài cánh tay phân phối sản phẩm, người Nhật kỳ vọng doanh thu tại thị trường nước ta có thể đạt 10 tỷ Yen (khoảng 71 triệu USD) mỗi năm.

Theo Jetro, Việt Nam là một thị trường khá đặc biệt đối với Nhật Bản, không chỉ vì triển vọng cho thị trường bán lẻ, mà còn là nơi có rất nhiều đối tác sản xuất cung cấp các sản phẩm "made in Vietnam". Việc tối ưu hoá kinh doanh thông qua cả hoàn thiện cả khâu sản xuất và bán lẻ tại Việt Nam đang là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư Nhật như AEON hay Uniqlo.

60% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam được xác định là thị trường trọng điểm của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh minh họa.

Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Lĩnh vực sản xuất vốn là lĩnh vực đầu tư truyền thống của Nhật Bản tại Việt Nam nhưng khoảng vài năm trở lại đây dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng bắt đầu có sự điều chỉnh với sự tham gia nhiều của các dự án trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ hướng đến thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia".

Đối với chiến lược của các nhà đầu tư Nhật Bản khi gia tăng sự hiện diện tại thị trường, nhiều phân tích cho rằng, kênh phân phối là yếu tố quan trọng. Các công ty Nhật Bản nắm bắt được tâm lý về ngắn hạn sản phẩm của Nhật khó cạnh tranh về giá. Nhưng về dài hạn, doanh nghiệp Nhật đặt kỳ vọng vào các công ty có hệ thống phân phối mạnh và rộng để bao phủ thị trường.

Việc nhiều nhà đầu tư FDI công bố kế hoạch tăng vốn và mở rộng mạng lưới phân phối, ngoài triển vọng thị trường khả quan còn đến từ hiệu quả của các Hiệp định Thương mại tự do. Tuy nhiên, lợi thế này có thể không kéo dài quá lâu khi các công ty bán lẻ trong nước và nước ngoài khác điều chỉnh hoạt động. Hiện tại, việc mở rộng thị trường Việt Nam có thể mang lại cho các công ty bán lẻ Nhật Bản lợi thế của người đi đầu.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên