MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 lý thuyết về đầu tư gây tranh cãi nhất mọi thời đại

01-09-2019 - 08:07 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù rất hữu ích khi biết những lý thuyết này, nhưng cũng cần nhớ rằng không có lý thuyết thống nhất nào có thể giải thích được thế giới tài chính. Trong những khoảng thời gian nhất định, một lý thuyết dường như chỉ giữ được ảnh hưởng nhất định, và sau đó lại không còn đúng nữa.

Khi nhắc đến đầu tư, sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập những lý thuyết ra đời nhằm giải thích cho những xu hướng và chuyển động của thị trường. Hai trường phái lớn nhất Phố Wall được phân chia bởi lý thuyết thị trường hiệu quả: một bên nhất mực ủng hộ và những người còn lại thì tin rằng thị trường có thể bị đánh bại. Đây chỉ là một sự phân chia cơ bản. Tồn tại rất nhiều lý thuyết khác cố gắng giải thích và gây ảnh hưởng lên thị trường, cũng như chi phối hành động của các nhà đầu tư trên thị trường.

1. Lý thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis)

Rất ít người có thái độ trung lập đối với thuyết thị trường hiệu quả (EMH). Bạn có thể tin tưởng 100% vào nó và tuân thủ các chiến lược đầu tư thị trường thụ động; hoặc ghét nó và tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu dựa trên tiềm năng tăng trưởng và tài sản bị định giá thấp.

EMH chỉ ra rằng rằng giá cả thị trường của cổ phiếu là sự kết tinh và phản ánh mọi thông tin về cổ phiếu đó. Điều này có nghĩa là cổ phiếu được định giá chính xác cho đến khi một sự kiện xảy ra trong tương lai thay đổi định giá đó. Bởi vì tương lai là một điều không chắc chắn, một người tuân thủ EMH nên sở hữu một lượng lớn cổ phiếu và thu lợi nhuận từ sự tăng trưởng chung của thị trường.

Những người phản đối EMH đã lấy Warren Buffett và một số nhà đầu tư thành công khác làm ví dụ điển hình - những người đã liên tục đánh bại thị trường bằng cách tìm ra mức giá hời trong thị trường chung.

2. Nguyên tắc 50% (Fifty – Percent Principle)

Nguyên tắc 50% dự đoán rằng một xu hướng đã được quan sát sẽ trải qua sự điều chỉnh từ một nửa đến hai phần ba trong giá trước khi tiếp tục tăng lên. Điều này có nghĩa là nếu một cổ phiếu đang có xu hướng tăng và tăng 20%, nó sẽ giảm khoảng 10% trước khi tiếp tục tăng. Đây là một ví dụ cực đoan, vì hầu hết các quy tắc này được áp dụng cho các xu hướng ngắn hạn mà các nhà phân tích kỹ thuật và đầu cơ áp dụng để mua và bán.

Sự điều chỉnh này được cho là một phần tất yếu của xu hướng, vì nó thường được gây ra bởi các nhà đầu tư nóng vội mong muốn thu về lợi nhuận sớm để tránh bị cuốn vào một sự đảo chiều thực sự của xu hướng sau này. Nếu sự điều chỉnh vượt quá 50% thay đổi về giá, đó được coi là dấu hiệu cho thấy xu hướng đã thất bại và sự đảo chiều sẽ nhanh chóng xuất hiện.

3. Lý thuyết kẻ ngốc hơn (Greater Fool Theory)

Thuyết kẻ ngốc hơn cho biết bạn có thể thu lợi từ đầu tư chừng nào vẫn còn có một kẻ ngốc hơn bạn sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho khoản đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc bạn vẫn có thể kiếm tiền từ một cổ phiếu có giá quá cao, miễn là người khác sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua nó từ bạn.

Cuối cùng, những kẻ ngu ngốc dần biến mất khi thị trường trở nên quá nóng. Đầu tư theo thuyết kẻ ngốc hơn tức là là bỏ qua việc định giá, báo cáo thu nhập và tất cả các dữ liệu khác. Bỏ qua dữ liệu cũng nguy hiểm tương đương với việc chú ý quá nhiều vào nó, và vì vậy những người bị gán là "kẻ ngốc hơn" thường bị bỏ lại sau khi thị trường hoàn tất điều chỉnh.

4. Lý thuyết lô lẻ (Odd Lot Theory)

Lý thuyết lô lẻ sử dụng việc bán các lô lẻ - khối lượng cổ phiếu nhỏ do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ - như một chỉ báo về thời điểm mua vào của cổ phiếu. Các nhà đầu tư theo lý thuyết lô lẻ mua vào khi các nhà đầu tư nhỏ bán ra hết. Giả định chính ở đây là những nhà đầu tư nhỏ thường ra quyết định sai.

Lý thuyết lô lẻ là một chiến lược đối lập dựa trên một hình thức phân tích kỹ thuật rất đơn giản - đo lường khối lượng lô lẻ bán ra. Sự thành công của các nhà đầu tư hoặc đầu cơ theo lý thuyết này phụ thuộc rất nhiều vào việc anh ta có đánh giá các chỉ số căn bản của công ty mà lý thuyết hướng tới hay chỉ đơn giản là mua vào một cách mù quáng.

Các nhà đầu tư nhỏ có lúc đúng, có lúc sai; và do đó, điều quan trọng nhất là phải phân biệt giữa khối lượng lô lẻ xuất hiện với mức độ chấp nhận rủi ro thấp với khối lượng lô lẻ bán ra kèm theo rủi ro cao. Các nhà đầu tư cá nhân thường linh động hơn các quỹ lớn, và do đó có thể phản ứng kịp thời hơn trước những tin tức nghiêm trọng, và do đó, khối lượng lô lẻ thực sự có thể là một chỉ báo cho việc bán tháo quy mô lớn của một cổ phiếu thất bại hơn là một sai lầm của các nhà đầu tư nhỏ.

5. Lý thuyết triển vọng (Prospect Theory)

Lý thuyết triển vọng còn có một tên gọi khác là "lý thuyết ngại thua lỗ". Lý thuyết triển vọng chỉ ra rằng nhận thức của mọi người về lãi và lỗ là sai lệch, bởi hầu hết đều sợ mất mát hơn là được khích lệ khi thu về. Nếu mọi người được lựa chọn hai triển vọng khác nhau, họ sẽ chọn triển vọng mà cho rằng ít có cơ hội kết thúc trong thua lỗ, thay vì triển vọng mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Giả sử bạn cung cấp cho một người hai khoản đầu tư, một khoản mang lại 5% mỗi năm, và một khoản mang lại 12%, mất 2,5% và mang lại 6% trong cùng một năm, người đó sẽ chọn khoản đầu tư 5% vì anh ta đã quan trọng hóa một cách phi lý vào tổn thất đơn lẻ, trong khi bỏ qua các mức tăng trưởng lớn hơn. Trong ví dụ trên, cả hai lựa chọn thay thế đều tạo ra tổng lợi nhuận ròng sau ba năm.

Lý thuyết triển vọng rất quan trọng đối với các chuyên gia tài chính và nhà đầu tư. Mặc dù sự đánh đổi rủi ro/lợi nhuận cho thấy một bức tranh rõ ràng về rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu để đạt được lợi nhuận mong muốn, lý thuyết triển vọng cho chúng ta biết rằng rất ít người có thể nhận thức về lý trí khi bị cảm xúc chi phối.

Đối với các chuyên gia tài chính, thách thức ở đây là phù hợp hóa rủi ro và lợi nhuận khách hàng sẽ nhận được. Đối với các nhà đầu tư, thách thức chính là vượt qua những dự đoán đáng thất vọng của lý thuyết triển vọng và trở nên đủ can đảm để đạt mức lợi nhuận đã đề ra.

6. Lý thuyết kỳ vọng hợp lý (Rational Expectations Theory)

Lý thuyết kỳ vọng hợp lý nói rằng những người tham gia một nền kinh tế sẽ hành động theo những gì họ mong đợi một cách hợp lý trong tương lai. Bởi vậy, một người sẽ đầu tư, chi tiêu, v.v. theo những gì người đó tin tưởng, một cách hợp lý, sẽ xảy ra trong tương lai. Bằng cách đó, người đó tạo ra một lời tiên tri tự hoàn thành (self-fulfilling prophecy) và góp phần tạo ra các sự kiện trong tương lai.

Mặc dù lý thuyết này đã trở nên khá quan trọng đối với kinh tế, nhưng nhiều người vẫn còn hoài nghi về lợi ích thực sự nó đem lại. Ví dụ, một nhà đầu tư nghĩ rằng một cổ phiếu sẽ tăng giá và bằng cách mua nó, hành động này thực sự khiến cổ phiếu tăng giá. Giao dịch tương tự khác có thể nằm ngoài lý thuyết kỳ vọng hợp lý. Một nhà đầu tư nhận thấy rằng một cổ phiếu bị định giá thấp, mua nó và chờ đợi các nhà đầu tư khác nhận thấy điều tương tự để đẩy giá lên đến giá trị thị trường thích hợp. Điều này nhấn mạnh vấn đề chính về lý thuyết kỳ vọng hợp lý: Nó có thể được thay đổi để hợp lý hóa mọi thứ, nhưng nó không cho chúng ta biết bất kỳ thứ gì.

7. Thuyết tổng khối lượng bán khống (Short Inyterest Theory)

Thuyết tổng khối lượng bán khống giả định khối lượng bán khống cao là tín hiệu cho sự tăng giá của cổ phiếu, và nếu thoạt nhìn thì dường như là không có cơ sở. Thông thường cho thấy rằng một cổ phiếu có khối lượng bán khống cao tức là một sự điều chỉnh về giá sắp xảy ra.

Lý do của hiện tượng trên là bởi tất cả những thương nhân, hàng ngàn chuyên gia và cá nhân nghiên cứu kỹ lưỡng từng mẩu dữ liệu thị trường, chắc chắn không thể sai. Họ có thể đúng ở một mức độ nào đó, nhưng giá cổ phiếu thực sự có thể tăng do bị thiếu hụt. Người bán, cuối cùng sẽ phải tự phòng vệ bằng cách mua cổ phiếu mà họ thiếu. Do đó, áp lực mua được tạo ra bởi những người bán ngắn bao trùm vị thế của họ sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Điểm mấu chốt

Chúng tôi đã đề cập đến một loạt các lý thuyết, từ các lý thuyết giao dịch kỹ thuật như thuyết tổng khối lượng bán khống và lý thuyết lô lẻ, cho đến lý thuyết kinh tế như kỳ vọng hợp lý và lý thuyết triển vọng. Mỗi lý thuyết là một nỗ lực nhằm "đóng khung" cho các hoạt động mua và bán diễn ra hàng ngày.

Mặc dù rất hữu ích khi biết những lý thuyết này, nhưng cũng cần nhớ rằng không có lý thuyết thống nhất nào có thể giải thích được thế giới tài chính. Trong những khoảng thời gian nhất định, một lý thuyết dường như chỉ giữ được ảnh hưởng nhất định, và sau đó lại không còn đúng nữa. Trong thế giới tài chính, sự thay đổi là hằng số thực sự duy nhất.

Mỹ Linh

Investopedia

Trở lên trên