7 phương pháp giúp tiết kiệm tiền bạc siêu đơn giản, quan trọng nhất đừng bao giờ nói 'mình đủ khả năng mua được nó'
Nếu muốn tiết kiệm một khoản kha khá để không phải mới giữa tháng đã hết sạch lương, bạn hãy áp dụng ngay 7 "bí kíp" cực đơn giản sau đây.
- 10-08-2019Shark O’Leary luôn nổi tiếng với lời khuyên về đầu tư và tiết kiệm thông minh nhưng lại không tiếc hàng nghìn USD để phục vụ mục đích này mỗi ngày
- 08-08-2019Cô gái tiết kiệm nhất Nhật Bản: Ngày tiêu không quá 40K, về hưu sớm tuổi 33 khi sở hữu 3 căn nhà trị giá chục tỷ
- 02-08-2019Quyết tâm trả nợ, tôi tiết kiệm được hơn 5.500 USD/năm nhờ thực hiện 5 thay đổi ai cũng biết nhưng luôn bỏ qua này!
Không ít người trẻ thường cảm thấy khó khăn trong việc tiết kiệm tiền. Gần đây, một người dùng mạng đã lên diễn đàn Reddit đã đặt câu hỏi cho chủ đề muôn thuở này: "Những người dưới 30 tuổi mà đã tiết kiệm được 100.000 đô la, các bạn làm cách nào thế?".
Và danh sách sau đây đã tổng hợp ra những câu trả lời chí lí nhất của cộng đồng mạng. Những phương pháp này có lẽ đúng nhất ở Mỹ nhưng nó cũng khá bao quát và bạn cũng tham khảo được dù ở bất kì đâu.
1. Sống chung với cha mẹ
Ngày càng có nhiều người thích sống với cha mẹ, thậm chí sau khi họ 30 tuổi. Đây là xu hướng trên toàn thế giới. Khoản tiền để thuê căn hộ riêng không phải là rẻ, đôi khi bằng 1/3 hoặc thậm chí 1/2 mức lương của một người.
Một người dùng có biệt danh Joe-misidd cho biết: "Tôi sống ở nhà với bố mẹ. Sống ở vùng ngoại ô và không có nhiều thanh niên ở đó, cho nên tôi hiếm khi ra ngoài. Chính điều này đã giúp tôi tiết kiệm tiền. Mọi người dường như không nhận ra sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền khi sống với bố mẹ. Tôi đã tiết kiệm ít nhất 1.200 đô/ tháng chỉ từ tiền thuê nhà trong vài năm đầu tiên khi ra trường. Tính thêm cả các hóa đơn khác thì tôi tiết kiệm được vài trăm đô nữa. Tôi đã xây dựng các mối quan hệ xã hội và được thăng chức lên vị trí cấp quản lý trong vòng 3 năm".
2. Đặt chế độ chuyển tự động tiền lương vào tài khoản tiết kiệm của mình
Trung tâm nghiên cứu Superjob đã thực hiện một cuộc khảo sát: có khoảng 29% người không kiểm soát các khoản chi tiêu và khoảng 40% người không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào cả. Trên thực tế, việc tiết kiệm tiền không khó như bạn tưởng và bạn không phải cố gắng sống với thật ít tiền. Tất cả bạn phải làm là để dành 5-10% tiền lương của mình và kết quả sẽ làm bạn ngạc nhiên.
"Bây giờ tôi đang ở độ tuổi 30, nhưng tôi đã có hơn 100.000 đô la trong ngân hàng trước khi tôi 30. Tôi đã thực hiện việc chuyển tự động vào tài khoản tiết kiệm và quỹ tương hỗ ngay khi tôi bắt đầu đi làm" - chia sẻ của người dùng Lewd_Toperator
3. Không mua hàng hiệu
Theo các dữ liệu thống kê, số người vay tiền từ ngân hàng không ngừng tăng lên. Nhiều người trong số họ cố gắng mua các siêu xe, thiết bị hợp thời trang và sau đó trở nên khánh kiệt. Chúng ta sẽ không thể tiết kiệm đủ tiền nếu như cứ tiêu pha điên rồ vào những thứ mình không thực sự cần.
4. Đừng nói câu: "Mình có khả năng mua được"
Tiêu thụ quá mức là một trong những thói quen tồi tệ nhất của xã hội hiện đại. Ngay cả khi một người kiếm đủ tiền, thói quen tiêu pha quá trớn vẫn khiến họ không thể tiết kiệm được một số tiền đáng kể. Thậm chí, có cả thuật ngữ "hiệu ứng snob" dùng để chỉ việc một người muốn mua những thứ không cần thiết, nhưng những món đồ này lại có vẻ độc đáo.
"Có rất nhiều điều mà tôi sẽ dùng cụm từ 'người giàu nghèo khổ' để diễn tả. Lấy ví dụ về người bạn thân nhất của tôi nhé. Xét trên mọi phương diện, chúng tôi đã có một khởi đầu giống nhau - tốt nghiệp đại học mà không phải nợ khoản tiền nào, nhận được một chiếc xe cũ từ cha mẹ của chúng tôi, và tìm được công việc lương cao. Cô ấy và chồng kiếm được 135-145 nghìn đô la (khoảng hơn 3 tỷ đồng) mỗi năm. Chồng tôi và tôi kiếm được 105 nghìn đô la (khoảng hơn 2 tỷ đồng) mỗi năm. Cô ấy thường xuyên cảm thấy túng thiếu và chi vượt số tiền trong tài khoản của mình, trong khi chồng tôi và tôi đã tiết kiệm được 150.000 đô la. Chúng tôi 27 tuổi, cho nên vấn đề chính ở đây là thói quen chi tiêu hàng ngày. Họ đi ăn, họ đến nhà hàng, họ mua thiết bị mới ... Thật dễ dàng để chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được nếu bạn không biết tự kiểm soát bản thân" - theo @emmaballoo chia sẻ.
5. Thay đổi chuyên ngành hoặc nơi làm việc
Đừng ngại thử những thứ mới khi bạn vẫn còn trẻ. Sẽ có những cơ hội giúp bạn khám phá ra tài năng của bản thân hoặc mang lại cho bạn nhiều tiền bạc và niềm vui hơn. Đừng ở lại một nơi làm việc nếu sự nghiệp của bạn không phát triển. Có hàng trăm người khác trên thị trường sẽ đánh giá cao kiến thức và kinh nghiệm của bạn.
Anh Saltwatersaguaro chia sẻ bí quyết tiết kiệm của hai vợ chồng mình: "Chúng tôi 24 tuổi và có 120.000 đô la trong tài khoản ngân hàng của mình. Tôi bắt đầu làm việc với vai trò một nhiếp ảnh gia đám cưới và sau đó tôi tổ chức các khóa học trực tuyến của riêng mình. Hóa ra việc dạy mọi người chụp ảnh có lợi hơn nhiều. Nhưng tôi và vợ có một cuộc sống khá đơn giản, chúng tôi không có quần áo cầu kỳ hay một chiếc xe hơi đắt tiền".
6. Học nấu ăn
Hãy hạn chế đi ăn ở ngoài. Thường xuyên ăn ngoài không chỉ có hại cho ngân sách, mà còn có hại cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, cách rẻ nhất dành cho việc ăn uống chính là nấu ăn tại nhà.
Tài khoản ACreativeTechnophile viết rằng: "Tôi hiếm khi dùng bữa ở nhà hàng. Đi ăn ngoài chỉ khiến cho hóa đơn hàng tháng của tôi ngày một dài thêm. Thay vào đó, chúng tôi chi 25 đô la cho máy trộn và làm đồ uống tại nhà. Sẽ mất hơn 100 đô la để được phục vụ điều tương tự ở một nhà hàng. Bài học tôi rút ra là hãy nấu ăn tại nhà và đừng để sự cám dỗ của việc đi ăn ngoài diễn ra thường xuyên".
7. Đừng tin vào những cách kiếm tiền quá dễ dàng
Không hề có thứ gọi là kiếm tiền dễ dàng, cái gì cũng cần nghiên cứu kĩ trước khi đầu tư.
Không có thứ gọi là kiếm tiền dễ dàng. Nghe theo những mánh lới kiếm tiền trong rủi ro như cờ bạc sẽ là cách dễ nhất để mất hết tất cả tiền mà bạn đang có. Ngay cả một thứ có lợi nhuận như chơi chứng khoán cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và nghiên cứu kỹ lưỡng - không có việc gì chỉ đơn thuần là dựa vào may mắn.
"Được thừa kế khoảng 1,2 triệu đô la (hơn 23 tỷ đồng), sau khi tham gia thị trường chứng khoán, hiện tôi chỉ còn 100 nghìn đô la (hơn 2 tỷ đồng)" - một người dùng cho hay.
Tuy nhiên, lưu ý là trước khi áp dụng các mẹo tiết kiệm nói trên, bạn hãy quyết định cách tận hưởng tuổi trẻ của mình trước đã nhé. Thời thanh xuân đầy màu sắc hay tập trung cho các khoản đầu tư trong tương lai tùy thuộc vào lựa chọn cá nhân của mọi người.
Như ý kiến của người dùng Deepandabear: "Tôi hiểu quan điểm của các bạn. Thật tốt khi bạn tiết kiệm và có kỷ luật, nhưng tôi cũng không thể chê trách bạn bè của bạn. Phải, họ đang chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết, nhưng họ cũng đang tận hưởng cuộc sống và dường như họ duy trì lối sống này khá tốt. Tiền là một công cụ và nếu công cụ đó có thể được sử dụng cho niềm vui mà không làm tổn hại đến tương lai của bạn quá nhiều, thì điều đó cũng có vẻ tốt. Rốt cuộc chúng ta cũng đâu mang theo được tiền xuống mồ, vậy tại sao không tranh thủ tiêu xài một chút khi mình muốn?".
(Theo Reddit, BS)
Helino