MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 tỉ tấn nước mưa trút xuống "đảo băng" Greenland: Chuyện chưa từng có trong lịch sử và những hệ lụy đằng sau

23-08-2021 - 21:46 PM | Sống

Sau trận mưa kỷ lục trút 7 tỉ tấn nước xuống Greenland, các chuyên gia sợ rằng mọi chuyện sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Như đã đưa tin, Greenland ngày 14/8 đã có một sự kiện bất ngờ vô tiền khoáng hậu xảy ra. Một trận mưa - chứ không phải tuyết - đã rơi xuống đỉnh núi của hòn đảo băng giá này, theo số liệu từ Trung tâm Dữ liệu băng tuyết Quốc gia (NSIDC) của ĐH Colorado (Mỹ).

Khu vực đỉnh núi cao trên mực nước biển hơn 3000m, cũng là điểm cao nhất của Greenland. NSIDC cho biết trận mưa ấy diễn ra trong vài giờ, đồng thời ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức đóng băng trong vòng 9 tiếng.

7 tỉ tấn nước mưa trút xuống đảo băng Greenland: Chuyện chưa từng có trong lịch sử và những hệ lụy đằng sau - Ảnh 1.

Đây là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ, Greenland ghi nhận băng ẩm và nhiệt độ trên mức đóng băng tại khu vực này. Tổng cộng, đã có 7 tỉ tấn nước mưa rơi xuống thềm băng Greenland - theo NSIDC.

Laurence C. Smith - chuyên gia khoa học khí hậu và là giáo sư ĐH Brown gọi trận mưa này là hiện tượng "gây sửng sốt" trong một email gửi đến báo chí. Ông cho biết "nó ám chỉ một tương lai nơi băng tuyết tan ra nhiều hơn, và khiến mực nước biển gia tăng."

Greenland vốn là nơi sở hữu lượng băng giá lớn nhất Bắc Bán cầu. Trong năm 2019, nơi đây mất đi hơn 530 tỉ tấn băng. Trong vòng 2 ngày tháng 7, băng tan ở Greenland là đủ để bao phủ tiểu bang Florida của Mỹ một lượng nước dày hơn 10cm.

7 tỉ tấn nước mưa trút xuống đảo băng Greenland: Chuyện chưa từng có trong lịch sử và những hệ lụy đằng sau - Ảnh 2.

Trạm Hội nghị thượng đỉnh của Quỹ Khoa học Quốc gia đặt tại Greenland được thành lập từ năm 1989, và luôn có đội ngũ ở đây để quan sát tình hình vùng Bắc Cực, kèm theo các biến số liên quan đến biến đổi khí hậu. Julienne Stroeve - nhà nghiên cứu của NSIDC cho biết lượng mưa tại trạm này có thể dùng làm chỉ số xác định những gì xảy ra ở những nơi khác nữa. Và nó cho thấy Bắc Cực đang tan chảy nhanh hơn tới 3 lần so với phần còn lại của hành tinh này.

Stroeve cho biết các mô hình quan sát gần đây từ Liên Hợp Quốc cho thấy lượng khí thải nhà kính không chỉ khiến băng ở Greenland tan nhanh hơn, mà còn tạo ra nhiều mưa hơn.

"Việc chuyển đổi từ tuyết thành mưa tại vùng Bắc Cực đã xảy ra sớm hơn dự đoán tới hàng thập kỷ."

Chuyện gì xảy ra khi mực nước biển gia tăng?

Mưa nhiều, băng tuyết tan nhanh, tất cả sẽ khiến mực nước biển gia tăng. Trong một nghiên cứu vào năm 2019, ước tính sẽ có hàng trăm triệu người ở các vùng duyên hải trên thế giới phải chịu ảnh hưởng. Hơn nữa, mưa ở Greenland còn tác động mạnh mẽ đến đời sống của động vật hoang dã, khiến chúng khó lòng kiếm ăn hơn.

Francois Gemenne - giám đốc tổ chức giám sát đài quan sát Hugo Observatory (Bỉ) cho biết: "Nước biển dâng cao sẽ dẫn đến một quá trình di cư không hẹn ngày về." Do tác động của biến đổi khí hậu, kể từ năm 1900 mực nước trên các đại dương đã dâng lên 15 - 20cm, và với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Nếu như không thể kiểm soát được tốc độ Trái đất nóng lên ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mực nước biển sẽ dâng thêm 0,5m nữa, thậm chí là trên 1m nếu mức tăng là 3 - 4 độ C. Như vậy là đủ để phá hủy hàng chục thành phố ven biển, thậm chí là nhấn chìm các quốc đảo trên thế giới.

Nguồn: Business Insider


Theo JD

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên