8.100 tỷ đồng xóa 'xập xệ' cửa ngõ phía Tây
Hơn 10 năm chuẩn bị, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 6 vẫn chưa xong thủ tục đầu tư. Để tháo gỡ, Chính phủ vừa đồng ý để thành phố Hà Nội triển khai dự án bằng ngân sách với số tiền hơn 8.100 tỷ đồng triển khai trong giai đoạn 2021 - 2024.
Chỉ 2 làn xe
Trước việc tuyến QL6 thường xuyên ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm (Tiền Phong đã có bài phản ánh và Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu thành phố Hà Nội rà soát), nhiều cử tri tại quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ tiếp tục phản ánh, kiến nghị về sự việc trên.
Trong buổi tiếp xúc cử tri của ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tại quận Hà Đông vào ngày 7/5, cử tri Nguyễn Hà Sơn cho biết, trong các cửa ngõ Hà Nội, hiện chỉ có QL6 nằm ở cửa ngõ phía Tây chưa được cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch. “Tuy là QL nhưng QL6 chỉ rộng có 2 làn xe, đến nay trong quá trình đô thị hóa, QL này đang như đường làng và phương tiện chỉ di chuyển từ 5 đến 15km/h vào giờ cao điểm”, ông Sơn phản ánh.
Nêu ý kiến trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Chương Mỹ của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến vừa qua, cử tri Nguyễn Đình Hanh, xã Phụng Châu (Chương Mỹ) kiến nghị, cần sớm đầu tư mở rộng QL6, đoạn từ Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai để giảm tai nạn và các hệ lụy kèm theo. Theo ông Hanh, việc QL6 quá tải, xập xệ không chỉ ảnh hưởng đến giao thông, mà còn làm việc kinh doanh của bà con gặp khó khăn, môi trường đầu tư kém hấp dẫn, khiến địa phương khó phát triển kinh tế - xã hội.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, việc mở rộng QL6 là mong muốn từ lâu của thành phố, nhưng chưa được quan tâm do nhiều chính sách về đầu tư thay đổi. Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan sớm triển khai dự án này.
Khảo sát của PV Tiền Phong những ngày qua cho thấy, QL 6 là trục giao thông chính từ trung tâm Hà Nội đi ra khu vực các quận huyện phía Tây, đây cũng là trục giao thông đi lại gần nhất giữa trung tâm Hà Nội và trung tâm tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên lòng đường từ Hà Đông đi Xuân Mai hầu hết chỉ rộng 7 - 9 mét (2 làn xe). Do lòng đường nhỏ, lượng phương tiện đông, giao thông tại đây thường xuyên ùn tắc, nhất là đoạn qua Hà Đông, cầu Mai Lĩnh và thị trấn Chúc Sơn…
8.100 tỷ đồng xóa “xập xệ” cửa ngõ phía Tây
Do là tuyến cửa ngõ quan trọng ở phía Tây Hà Nội và nối trung tâm Hà Nội với trung tâm tỉnh Hòa Bình, từ năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để thành phố Hà Nội thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La (Hà Đông) - Xuân Mai. Tuy nhiên đến nay, qua 12 năm và có nhiều nhà đầu tư được UBND thành phố Hà Nội lựa chọn triển khai đầu tư dự án theo nhiều hình thức khác nhau nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa xong thủ tục đầu tư.
Cụ thể, trong giai đoạn 2009 - 2016 dự án được UBND thành phố Hà Nội cho chủ trương để nhà đầu tư là Tổng Cty Sông Đà thực hiện theo hình thức BOT; do vướng mắc về vị trí lắp đặt vị trí trạm thu phí hoàn vốn trong vòng 25 năm nên phải dừng lại.
Tiếp đến, từ năm 2017 đến 2020, dự án được giao cho liên danh nhà đầu tư gồm Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới, Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng đô thị, Công ty Đầu tư và dịch vụ thương mại Đại An thực hiện dự án theo hình thức BT. Để thực hiện dự án, các liên danh này đã thành lập ra Công ty CP đầu tư Louis Group là đại diện nhà đầu tư.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là 8.485 tỷ đồng và tiến độ thực hiện đến quý II/2022. Tuy nhiên, do có một số tồn tại trong việc lập, trình duyệt dự án, trong đó có phương án bố trí quỹ đất đối ứng trả cho nhà đầu tư chưa sát nên Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra. Năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó quy định, hình thức đầu tư BT không còn áp dụng cho các dự án đầu tư mới nên dự án lần thứ 2 bị dừng.
Thông tin về thực trạng và tương lai dự án cải tạo, mở rộng QL6, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi dự án bị dừng, UBND thành phố có quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư một số tuyến giao thông để hoàn thiện hạ tầng khung và có thời gian triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án này trong đó có dự án nâng cấp, cải tạo QL6 được UBND thành phố Hà Nội đưa vào danh sách những công trình được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn ngân sách trung ương và thành phố.
Theo ông Viện, sau khi Hà Nội có quyết định trên, Sở GTVT đã có tờ trình gửi thành phố thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo, nâng cấp QL6. Theo tờ trình, dự án này có chiều dài 21,5 km, được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách thành phố với tổng kinh phí là 8.112 tỷ đồng (giảm 373 tỷ đồng so với hình thức đầu tư BT được lập trước đó). Dự án có thời gian thi công từ năm 2021 đến 2024. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội được giao làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế cơ sở, tuyến đường QL6 sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ có mặt cắt đoạn đi trong đô thị là 56 - 60 mét, tương đương 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; đoạn đi ngoài đô thị rộng 50 mét- tương đương 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100km/h.
Tiền phong