8X khởi nghiệp bán hải sản Sói Biển vì sợ thi trượt cao học
Thành lập từ năm 2013 đến nay Sói Biển đã có 11 cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội. Founder/CEO Trần Quân, nói rằng Sói Biển đặt mục tiêu sẽ thành chuỗi cung ứng thực phẩm sạch hàng đầu.
- 05-08-2017CEO Bibo Mart: Công thức thành công của tôi là không nghĩ nhiều, chỉ đặt những mục tiêu thực tế trong ngắn hạn!
- 29-07-2017Tổng cục Thuế tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
- 23-06-2017Cộng đồng startup Việt Nam vừa có thêm quỹ khởi nghiệp 20 triệu USD
- 22-06-2017CEO Vinamit: Người ta từng nói tôi bị điên khi khởi nghiệp với trái mít
Trần Quân cho biết trong một lần tình cờ anh đã gặp “sói biển” Mai Phụng Lưu – một ngư dân Lý Sơn bị bắt 4 lần nhưng vẫn kiên cường bám biển, anh Lưu đã được nhận giải Vinh quang Việt Nam.
“Anh Lưu lúc đó ra Hà Nội để tìm hiểu thị trường. Qua nói chuyện, anh Lưu bảo mình là giúp anh ấy mở một cửa hàng đồ tươi sống do nhà anh ấy đánh bắt từ Lý Sơn”, Quân kể.
Trần Quân cũng chia sẻ rằng bị đề xuất của anh Lưu hấp dẫn bởi lúc đó Quân đang ôn thi cao học, khả năng bị trượt rất cao nên muốn tìm một việc gì đó để làm.
Mất một tháng tìm mặt bằng, đặt cọc cửa hàng nhưng khi liên lạc lại thì anh Lưu không bắt máy, đoán chừng anh đi biển, Quân bắt xe về Lý Sơn.
“Anh Lưu bất ngờ vì mình về Lý Sơn lắm. Anh bảo anh không thể mở cửa hàng vì gia đình không ủng hộ, anh cũng không quản lý được nên tặng thương hiệu Sói Biển cho mình. Đồng thời anh cũng sẽ cung cấp hải sản cho cửa hàng, chuyến đầu tiên anh không lấy tiền, bao giờ bán được hàng thì trả sau”, Quân kể.
CEO Sói Biển nhớ lại trong người anh lúc đó chỉ còn 15 triệu do 20 triệu tiền để dành đã tiêu mất 5 triệu cho việc đặt cọc cửa hàng. Dù vậy, đứng trước cơ hội lớn, Quân đã quyết tâm vay thêm 100 triệu đồng để kinh doanh.
Cửa hàng Sói Biển đầu tiên được khai trương ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) vào năm 2013 đơn giản với một tủ hải sản đặt giữa nhà, xung quanh là một vài gói đồ khô, gia vị, nước mắm đơn giản. Ngày đầu Quân bán được 8 triệu đồng, ngày thứ 2 được 6 triệu đồng và cứ giảm dần doanh số rồi chạm đáy 500 nghìn đồng sau 1 tuần.
“Chỉ 3 tháng đầu Sói Biển suýt phá sản”, Quân cho hay.
Trước áp lực đó, Quân đã tìm cách thay đổi. Anh cho biết bản thân đã trò chuyện với từng khách hàng để hiểu được nhu cầu của họ. Tiếp theo, Quân nhập thêm hàng mới, thay đổi nhận diện quảng cáo bên ngoài.
Sau khi cho 2 nhân viên nghỉ và tự mình đứng bán, Trần Quân đã vực dậy doanh số từ 500 nghìn đồng lên 4,5 triệu đồng. “Mức này giữ trong nửa tháng không lên được, mình lại phải tìm cách khác”, Quân chia sẻ.
Sau cuộc gọi vào Quảng Ngãi, Quân quyết định nhập cá ngừ nguyên con ra Hà Nội bán với giá rẻ hơn thị trường 80 nghìn đồng/kg.
“Mình đặt cá ngay trước cửa hàng rồi mổ. Lúc đấy mình chỉ 48 kg, con cá còn nặng hơn mình gần chục cân”, Quân hài hước kể.
Sự khác lạ này đã giúp Sói Biển thu hút không chỉ lượng khách đáng kể mà còn cả truyền thông. Sau một bài báo, cửa hàng của Quân đã được biết đến rộng rãi hơn, khách đông hơn. Với những người khách đến mua cá ngừ, Quân yêu cầu nhân viên của mình ghi lại chi tiết tên, tuổi, nhu cầu khách hàng để sau khi khách về thì gọi điện chăm sóc.
“Điều này đã trở thành văn hoá của Sói Biển. Hậu mãi để họ nhớ đến mình”, Quân cho biết.
Một văn hoá khác được Quân chia sẻ đó là hình thành khái niệm gia đình, gắn kết các thành viên trong Sói Biển với nhau.
Chuẩn hoá dịch vụ, đồng nhất các cửa hàng
Tháng 12/2014, sau 1 năm kinh doanh, Sói Biển thay đổi nhận diện thương hiệu để phù hợp với việc kinh doanh chuỗi. Quân cũng nhấn mạnh, để kinh doanh chuỗi, điều quan trọng nhất phải chuẩn hoá được cửa hàng.
“Từ Sói Biển số 1 – số 10, từ câu chào hỏi đến cái dao, quầy thu ngân, đến chất lượng sản phẩm đều phải tương tự nhau”, Quân cho biết.
“Phải xây dựng được cửa hàng đầu tiên có lãi, tiêu chuẩn hoá cửa hàng từ dịch vụ, sản phẩm, chăm sóc khách hàng thành công thì mới mở chuỗi được”, Quân nói thêm.
Trên thực tế, nếu như cửa hàng thứ 2 Quân mở ra tính bằng đơn vị năm thì những cửa hàng khác sau này thời gian chỉ là một vài tháng khi mọi thứ được tiêu chuẩn hoá.
Tuy nhiên khi nhân rộng đến cửa hàng thứ 5, CEO Sói Biển nhận thấy các cửa hàng bị xung đột, không có sự đồng nhất. Anh nhận xét đấy cũng là vấn đề của hầu hết các chuỗi khi được mở rộng.
Để giải quyết, CEO Sói Biển đã thực hiện các buổi đào tạo bắt buộc với các nhân viên để họ có thể hiểu được văn hoá, sứ mệnh, giá trị cốt lõi hay tầm nhìn của doanh nghiệp.
Năm 2017, Sói Biển nhận được sự đầu tư của anh Nguyễn Khánh Trình, Founder CleverAds. Sau đó Sói Biển đã sáp nhập với trang trại Trung Thực của anh Trình trở thành CTCP Sói Biển Trung Thực.
“Mình từng nghĩ gọi vốn với nhà đầu tư hoành tráng lắm nhưng thực ra không phải. Đó là câu chuyện từ trái tim đến trái tim. Những người có chung nhiệt huyết sẽ tự cuốn hút nhau, như là anh Trình với mình”, Quân chia sẻ.
Từ 20 triệu ban đầu, sau 4 năm có 12 cửa hàng, 5 trang trại, 100 thành viên, 100 nhà cung cấp, 20 nghìn khách hàng, Quân bảo bản thân không có bí quyết gì cao siêu. Anh chỉ đơn giản là tìm ý tưởng kinh doanh, xây dựng cửa hàng đầu tiên có lợi nhuận, hoàn thiện mô hình kinh doanh, xây dựng văn hoá doanh nghiệp rồi nhân rộng nó ra.
“Kinh doanh chuỗi cần liên tục cải tiến, đồng nhất trên hệ thống, tiêu chuẩn hoá nó. Càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”, CEO Sói Biển kết luận.