MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 bài học kinh điển của cổ nhân, 1 lần đọc, cả đời lợi: Tất cả phụ thuộc vào việc bạn hiểu thấu bao nhiêu

29-08-2020 - 18:02 PM | Sống

Những đạo lý, bài học đã có từ ngàn năm, nhưng càng đọc mới càng hiểu, càng hiểu lại càng mở rộng tầm mắt.

Từ thuở xa xưa, những nhà hiền triết nổi tiếng của phương Đông đã để lại cho chúng ta rất nhiều câu nói tưởng chừng giản đơn, nhưng trải qua nghìn năm, giá trị bài học quý giá trong đó vẫn còn nguyên vẹn.

Quả thật, mỗi lần đọc là một lần thêm suy ngẫm, thêm đào sâu để thấu hiểu ý nghĩa thực sự của nó.

1. "Quân tử muốn tu thân, trước tiên phải tu tâm"

Áo mũ chỉnh tề, tiến thoái tri lễ. Đó là tu thân tại ngoại.

Nói năng có lý có cứ, hành động có chừng có mực. Đó là tu thân tại nội, tu tâm đức và khẩu đức.

Kết giao với những người có sự tu dưỡng sẽ giống như gió mát thổi qua mặt, như trà xanh thấm họng khô, vừa thoải mái dễ chịu, vừa để lại dư vị nồng nàn, quyến luyến.

Họ sống tín niệm vào bản thân, không cần cầu xin người khác một cách đê hèn, càng không vì công danh lợi lộc mà không từ thủ đoạn. Người quân tử như vậy dù thanh bần nhưng vẫn có thể sống vui, sống tao nhã, tận hưởng niềm lạc thú bình sinh.

2. “Đối xử với cha mẹ thế nào, con cháu sẽ trả lại thế nấy"

Người xưa thường nói, gia đình như một gốc cây với ông bà là rễ, cha mẹ là cành, con cháu là hoa trái. Muốn hoa trái nảy nở thì nhất định phải chăm bón cẩn thận từ gốc rễ.

Do đó, muốn con cháu hiểu được hiếu thảo thì bản thân một người phải hiếu thảo với chính cha mẹ của mình. Đó chính là bài học tốt nhất để đời sau noi theo.

3. “Người có tài chẳng cần nói nhiều, chỉ có những kẻ bất tài vô dụng mới hay khoe khoang, thể hiện.”

Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo. Chỉ có kẻ dại dột mới thích nói dai, nói dài, thành ra nói dại. Họ mạnh mồm thể hiện ta giỏi, ta khôn, coi người xung quanh trở thành phường ngu dốt mà không biết rằng, càng khoe khoang thứ gì, càng dễ mất đi thứ đó.

Ngược lại, với người thông minh và bản lĩnh, thay vì mất công trình bày này nọ, họ chứng minh bằng thực tế hành động của mình. Đó mới là bằng chứng đanh thép nhất. Đằng sau sự trầm mặc luôn là một trí tuệ chín chắn và uyên thâm.

9 bài học kinh điển của cổ nhân, 1 lần đọc, cả đời lợi: Tất cả phụ thuộc vào việc bạn hiểu thấu bao nhiêu - Ảnh 1.

4. “Thiên hạ khắp nơi là của cải, một phần lao động, một phần cơm.”

Một người lao động bao nhiêu thì có thể hưởng thụ bấy nhiêu. Nếu chỉ làm 1 phần việc, nhưng đòi ăn 10 phần cơm, ấy là mất cân bằng. Nhất định phải luồn cúi, mưu lợi để bù đắp vào phần lao động còn thiếu.

Ngược lại, người ngay thẳng thật thà, không đầu cơ trục lợi thì có thể sống thẳng lưng, đúng với lương tâm của mình. Chỉ cần có đủ bản lĩnh thì khắp nơi đều là cơ hội. Dựa vào bản thân để hưởng lợi chứ không cần cậy nhờ bất cứ ai, như vậy, ta mới có tư cách mà ngẩng cao đầu đối mặt.

5. “Không thể cùng con ếch ngồi trong đáy giếng luận bàn về biển cả; không thể cùng côn trùng mùa hè bàn luận về băng tuyết; không thể cùng anh học trò chốn thôn quê hẻo lánh bàn luận về đạo lý.”

Loài côn trùng có sinh mạng ngắn ngủi, sinh ra vào mùa hè thì chẳng bao giờ được trải nghiệm băng tuyết của mùa đông. Làm sao có thể tưởng tượng cảm giác lạnh giá?

Cũng như con ếch dưới đáy giếng, sống trong vòng tròn nhỏ hẹp chật chội của mình, thì dù nghe kể bao nhiêu cũng không thể nào hình dung được sự xinh đẹp của biển lớn.

Tương tự như vậy, khi giảng đạo lý cho những người có tầm nhìn hạn hẹp thì họ khó có thể học được điều gì thấu đáo. Vậy nên, người ta cần phải có một tâm thái rộng mở đối với tri thức.

Do đó, với người chưa có cơ hội được cảm nhận, trải nghiệm thì nói nhiều đạo lý đến mấy cũng chỉ như “đàn gảy tai trâu”. Cần phải dựa vào hoàn cảnh và độ hiểu biết của mỗi người để lựa chọn cách giao tiếp cho phù hợp.

6. “Bi ai lớn nhất của đời người là chết về tâm tưởng, còn cái chết về thể xác chỉ xếp sau.”

Chết về tâm tưởng là khi ý chí bị mài mòn, đam mê bị nguội lạnh, tinh thần bị vắt kiệt, tư duy trở nên trống rỗng. Những người sống trong lụi tàn thường khó mà tự phát giác được điều đó. Họ chỉ quen với vòng lặp cuộc sống của bản thân, cũng tự “ru ngủ” trong không gian nhỏ hẹp ấy để thỏa mãn nhu cầu ổn định của mình.

Đó cũng chính là lúc họ đánh mất cơ hội để tiếp nhận những tiến bộ vượt bậc đang diễn ra mỗi ngày, bên ngoài thế giới của bản thân.

9 bài học kinh điển của cổ nhân, 1 lần đọc, cả đời lợi: Tất cả phụ thuộc vào việc bạn hiểu thấu bao nhiêu - Ảnh 2.

7. “Nước không đủ thì không đẩy được chiếc thuyền lớn, gió không đủ thì không dang nổi đôi cánh to.”

Thuyền lớn muốn vượt sóng ngàn khơi phải dựa vào sức nước. Tương tự như vậy, loài chim muốn sải cánh giữa trời phải dựa vào sức gió. Không có sức mạnh tương trợ, con người khó có thể làm nên nghiệp lớn nếu chỉ dựa vào sức của một người.

Đó cũng là lý do mà người thành công đúc rút ra bài học: Muốn đi nhanh, hãy đi một mình; muốn đi xa, hãy đi cùng đồng đội. Sức mạnh của tập thể luôn được vận dụng theo quy tắc: 1 + 1 > 2.

8. “Những kẻ thích tán tụng người khác trước mặt thì cũng thích nói xấu người ta sau lưng.”

Có những kẻ trước mặt thì nói cười vui vẻ, không ngại dùng đủ mọi lời lẽ hoa mỹ để tán dương người khác, “thổi” họ lên tận mây xanh. Nhưng khi vừa quay mặt đi thì sẵn sàng đâm sau lưng cả chục nhát, vu oan giá họa, vấy bẩn thanh danh của đối phương.

Chẳng thế mà người xưa hay nói: "Đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết người ngay kẻ tà.”

Loại người sống hai mặt, nói hai lời cho dù được lòng người khác thuở ban đầu thì sớm muộn cũng bị lộ bản chất thật, khiến tập thể xa lánh và coi khinh.

9. “Đấu gạo dưỡng ân, gánh gạo dưỡng thù.”

Khi bạn cho người đói khổ một đấu gạo, giúp anh ta giải quyết vấn đề áo cơm trong ngày, anh ta sẽ vô cùng biết ơn. Nhưng nếu bạn tiếp tục cho anh ta một gánh gạo, anh ta sẽ coi đó là chuyện đương nhiên, sau đó sẽ đòi thêm gánh thứ hai, thứ ba... Không nhận được đủ để thỏa mãn sự tham lam thì anh ta sẽ nảy sinh lòng hận thù.

Do đó, lương thiện phải có giới hạn, lương thiện mà không có nguyên tắc chính là mềm yếu.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên