9 tháng xuất siêu kỷ lục 17 tỷ USD; nhiều mặt hàng chủ lực vẫn phụ thuộc khu vực doanh nghiệp FDI
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,4% so với quý II năm nay (tăng 26,6% so với quý I). Trong quý III có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- 29-09-2020[Infographic] Tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm qua những con số
- 29-09-2020Kinh tế quý III tăng trưởng 2,62%, thấp nhất thập kỷ nhưng top đầu thế giới
Trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 14,7 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử máy tính và linh kiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 26,4%; hàng dệt may đạt 8,9 tỷ USD, giảm 6,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD, tăng 62,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.
Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%).
Trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 36,7 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,2 tỷ USD, tăng 25,9%; hàng dệt may đạt 22,1 tỷ USD, giảm 10,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,2 tỷ USD, tăng 39,8%; giày dép đạt 12,1 tỷ USD, giảm 8,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 12,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,8%; thủy sản đạt 6 tỷ USD, giảm 3%.
Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 92,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 66,4%; giày dép chiếm 75,9%; hàng dệt may 56,6%. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng các mặt hàng nông sản vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước do giá xuất khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng nông sản đều biến động giảm: Rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11%; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, giảm 4% (lượng tăng 10,6%); cà phê đạt 2,2 tỷ USD, giảm 1% (lượng giảm 1,4%); cao su đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4% (lượng tăng 2,4%); hạt tiêu đạt 489 triệu USD, giảm 17,6% (lượng giảm 5,9%). Riêng mặt hàng gạo đạt 2,5 tỷ USD, tăng 12% (lượng giảm 0,6%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,9 tỷ USD, tăng 12,7%. Thị trường EU đạt 26 tỷ USD, giảm 2,6%. Thị trường ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 12,5%. Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2%. Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, giảm 5,7%.
Trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay (tăng 15,2% so với quí I).
Trong quý III có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 73,4% tổng trị giá nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt giá trị cao nhất với 17,9 tỷ USD (chiếm 26,1% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu), tăng 24,6% so với quý cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,5 tỷ USD, tăng 3,1%; điện thoại và linh kiện đạt 4,6 tỷ USD, giảm 4,6%; vải đạt 2,9 tỷ USD, giảm 8,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%.
Trong 9 tháng năm 2020 có 32 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 45,1 tỷ USD (chiếm 24,2% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 26,3 tỷ USD, giảm 1,8%; điện thoại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,6%; vải đạt 8,4 tỷ USD, giảm 13,4%; sắt thép đạt 6,1 tỷ USD, giảm 15,5%; chất dẻo đạt 6 tỷ USD, giảm 11,2%; sản phẩm chất dẻo đạt 5,2 tỷ USD, tăng 8,1%; kim loại thường đạt 4,3 tỷ USD, giảm 9,4%; ô tô đạt 4,1 tỷ USD, giảm 24,5%; sản phẩm hóa chất đạt 4 tỷ USD, tăng 2,8%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 56,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 32,8 tỷ USD, giảm 7,1%. Thị trường ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, giảm 8,7%. Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 2,8%. Thị trường EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 5,6%. Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, giảm 1,6%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.