99 con dê, cốc trà muối và lời dạy sâu sắc về thói tham lam vô độ mà kẻ làm công ăn lương nên ghi nhớ
Sự tham lam vô độ của một số người giống như cốc trà pha muối, dù vị đậm đà nhưng càng uống càng khát, mà càng khát lại muốn càng uống nhiều hơn.
Có câu chuyện kể rằng, phú ông ở một vùng đất nọ sở hữu đàn dê 99 con béo tốt, nhưng vì quá tham lam nên ông ta tìm cách để có thêm 1 con nữa cho tròn 100. Ông mất ăn mất ngủ suy tính cách tìm dê mang về và rồi đột nhiên nhớ ra trong ngôi chùa gần làng mình có nuôi một con dê sau vườn. Thế là phú ông nhanh chóng đến chùa vào sáng hôm sau.
Vào chùa, phú ông gặp lão thiền sư trụ trì đang đả tọa, ông bèn nói: “Tôi được biết sau chùa có nuôi một con dê, ngài có thể cho tôi mang về nuôi hay không?”. Lão thiền sư nhẹ nhàng mở mắt ra nhìn phú ông rồi khép mắt lại đáp: “Được rồi, ông mang con dê đi đi”. Phú ông nghe nói xong như mở cờ trong bụng, hí hửng dắt con dê về nhà.
Bất ngờ thay, ít lâu sau, vị phú ông lại đến chùa thêm một lần nữa, gặp lại lão thiền sư, ông than ngắn thở dài về việc đàn dê của mình hiện tại đã có 105 con. “Thế tại sao ông lại buồn rầu?” - lão thiền sư thấy làm lạ nên đặt câu hỏi.
Phú ông tiếp lời: “Sao lại không buồn cho được, 105 con dê rồi, tôi lo lắng chẳng biết khi nào mình mới có đủ 200 con?”. Lão thiền sư nghe đến đây không nói không rằng, ngài đi vào trong rót một cốc trà cho vị phú ông uống.
Vừa uống xong một ngụm trà, phú ông cau mày thốt lên: “Sao trà mà lại mặn thế này?”. Lão thiền sư bình thản nói: “Vì trong trà có muối, đời người chẳng ai thích uống một cốc trà muối cả, thế mà ông lại tự pha cho mình một cốc như thế. Càng uống càng thấy khát, mà càng khát lại càng muốn uống. Dục vọng và lòng tham của ông chính là cốc trà này”.
Phú ông sững người, chợt hiểu ra ý nghĩa sâu sắc đằng sau lời dạy của lão thiền sư. Ông bái lạy cảm tạ xong nhanh chóng về nhà. Từ đó về sau không ai thấy vị phú ông đi tìm dê nữa, thay vào đó ông ung dung sống cuộc đời của riêng mình với tâm thái bình yên đến lạ.
Thế đấy, cuộc đời mỗi người ai ai cũng có ham muốn, truy cầu, từ vật chất cho đến công danh sự nghiệp. Tuy nhiên, một khi sa đà vào nó, để nó dẫn lối thì truy cầu lúc này đây đã vô tình trở thành dục vọng khiến cho bản thân chúng ta ngày đêm lo nghĩ chẳng có lấy một phút bình an.
Riêng trong môi trường công sở, không hiếm khi chúng ta để sự ham muốn phá hủy chính mình làm thân tâm mỏi mệt.
Chẳng hạn như tài sức hiện tại chỉ đủ để làm một công việc có mức lương 10 triệu, ấy vậy mà ta lại muốn thu nhập hàng tháng lên đến 20 triệu, từ đó mải mê lao đầu vào công việc, hết tăng ca liên tù tì thì lại đến cày thêm việc bên ngoài.
Vẫn chưa đủ lại bắt đầu sinh ra tà tâm, làm mọi cách để kiếm tiền bất chấp sự chân chính và thiện lương của bản thân. Cuối cùng, đến khi thu nhập đã như mong đợi lại quay sang nghĩ tới con số 30 triệu, 40 triệu,... vòng xoáy mê hoặc này mãi mãi không bao giờ dứt.
Và lao đầu vào công việc cả ngày lẫn đêm như thế chúng ta phải đánh đổi những gì? - hiển nhiên là thời gian, bao gồm cả thời gian dành cho gia đình, bạn bè. Thậm chí còn là sức khỏe của chính mình. Để rồi một mai nhìn lại, cảm thấy nuối tiếc về những gì đã bỏ lỡ, mối quan hệ đã đánh mất, sức khỏe suy tàn, dân công sở có hối hận e cũng đã muộn màng.
Truy cầu quá mức sinh dục vọng bản chất là như thế, cho nên lời khuyên đưa ra cho hội công sở là hãy cứ cầu tiến nhưng đừng quá tham lam, hãy giữ cho tài sức của mình trong sạch và thân tâm của bản thân thật sự lành mạnh.
Biết tiết chế thì sự truy cầu thành công hay tiền tài của mình như một cốc trà không có muối, vị nó thanh nhạt, uống vào nhuận mát tâm can, làm gì cũng thấy sướng vui, làm gì cũng thấy có động lực. Trong khi đó, nếu truy cầu quá độ thì nó chính là cốc trà mặn, dù vị đậm đà nhưng càng uống càng khát, mà càng khát lại muốn càng uống nhiều hơn.
Helino