9x bỏ iPhone, dùng điện thoại ‘cục gạch’: Luôn mang sổ tay, chứng minh thư, đèn pin và các loại thẻ bên mình thay cho smartphone
Lối sống không smartphone của Leon đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến đối với những người Trung Quốc muốn theo đuổi chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số.
- 04-11-2022Email đầu tiên Elon Musk gửi nhân viên Twitter: Xác nhận sa thải lượng lớn nhân viên, tạm thời đóng cửa toàn bộ các văn phòng để ‘dẹp loạn’
- 04-11-2022Thị trường máy tính bảng chưa có dấu hiệu phục hồi
- 03-11-2022Lấy hàng Apple bán lại cho chính Apple, một cựu nhân viên thu về 17 triệu USD
Có thể nói, ngày nay, điện thoại thông minh (smartphone) đồng nghĩa với sự tiện lợi. Nhưng khi bắt đầu xuất hiện nhiều ứng dụng cung cấp các dịch vụ không liên quan, Leon nhận ra đã đến lúc phải dừng lại.
Chàng trai 29 tuổi đến từ Vũ Hán đã quyết định bỏ dùng iPhone từ tháng 3/2021. Anh mua chiếc điện thoại Light Phone 2 đơn giản và sau đó là chiếc Punkt MP02. Từ khi không dùng smartphone, Leon luôn mang bên mình một cuốn sổ tay, chứng minh nhân dân, thẻ giao thông công cộng, đèn pin và thẻ ngân hàng để thay thế cho smartphone.
Ban đầu, Leon chỉ định thử bỏ smartphone trong vòng 1 tháng nhưng giờ đây, nó đã trở thành phong cách sống của anh.
“Smartphone được cho là mang lại sự tiện lợi cho chúng ta nhưng nó giống như ăn cơm với cát khi sử dụng. Tôi muốn tìm ra công nghệ mà mình thật sự cần sau khi ngừng sử dụng smartphone”, Leon chia sẻ với Sixth Tone.
Chân dung Leon.
Lối sống không smartphone của Leon đã trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến đối với những người Trung Quốc muốn theo đuổi chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số. Đây là thuật ngữ do nhà văn và giáo sư khoa học máy tính Cal Newport nghĩ ra năm 2019.
Trong cuốn sách của mình, ông đã viết về cách sử dụng công nghệ cho phép mọi người tập trung vào một số hoạt động trực tuyến được lựa chọn cẩn thận, đồng thời tối ưu hóa thời gian cho những thứ mà họ cho là có giá trị.
Ở Trung Quốc - nơi có tỷ lệ sử dụng smartphone cao nhất trong số 24 quốc gia trong một nghiên cứu năm 2021, khi chứng nghiện smartphone trở nên phổ biến, một số diễn đàn “chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số” trên các nền tảng xã hội đã được lập ra, thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Tại đây, họ chia sẻ những giai thoại về việc nhịn dùng mạng xã hội và các hoạt động khác trên smartphone, từ việc giới hạn số giờ trực tuyến đến gỡ cài đặt ứng dụng hoặc chuyển sang các thiết bị kỹ thuật số dễ sử dụng hơn.
Một người đã tắt các tính năng liên quan trong ứng dụng WeChat gần 2 năm cho biết: “Tôi không còn lướt điện thoại để cập nhật tin tức mỗi ngày như trước đây. Dần dần, tôi thấy việc đó không cần thiết nữa, thế giới vẫn diễn ra bình thường, mỗi người đều bận rộn với việc riêng của mình”.
Còn Leon, anh là một trong số ít người từ bỏ hoàn toàn smartphone. Chiếc điện thoại tối giản hiện tại chỉ cho phép anh gọi điện, nhắn tin và báo thức. Chàng trai này được coi là ngoại lệ trong cuộc cách mạng kỹ thuật số của Trung Quốc.
“Sử dụng các công cụ có chức năng đơn giản có thể giúp tôi nhận thức được mục đích của hành vi của mình. Nếu muốn làm điều gì, tôi sẽ chỉ sử dụng công cụ được thiết kế cho duy nhất việc đó”, Leon cho biết.
Leon cho biết anh gặp phải không ít bất tiện khi không dùng smartphone. Thay vì thanh toán kỹ thuật số trên WeChat hoặc Alipay, anh dùng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng. Một thống kê cho thấy 8/10 người trưởng thành ở Trung Quốc đã thực hiện giao dịch trực tuyến vào năm ngoái.
Ngoài ra, anh còn phải mang theo một chiếc điều khiến có nút gọi để đặt xe hay đi siêu thị, cửa hàng tạp hóa để mua đồ thiết yếu thay vì đặt trên các sàn thương mại điện tử.
Theo Leon, việc không bị xao nhãng bởi các nền tảng trực tuyến giúp anh để ý nhiều hơn đến thế giới xung quanh. Thay vì lướt điện thoại nhiều giờ, giờ đây anh dùng thời gian rảnh cho những hoạt động “nhàm chán” như cho chim ăn, sửa máy ảnh, máy đánh chữ hoặc đơn giản là thư giãn.
“Ban đầu, tôi chỉ định bỏ smartphone trong 1 tháng chứ không nghĩ là hơn 1 năm như hiện tại. Tôi nhận thấy mình không còn nỗi sợ bỏ lỡ thông tin hay xu hướng mới. Tôi tận hưởng điều đó. Đôi lúc, tôi bỏ lỡ một số tin nhắn hoặc mất nhiều thời gian hơn để phản hồi nhưng điều đó không thực sự quan trọng bằng sức khỏe cá nhân của tôi”, Leon giãi bày.
Hai chiếc điện thoại mà Leon sử dụng.
Dù vậy, anh thừa nhận đây là trải nghiệm khá “mệt mỏi” trong một video được chia sẻ trên nền tảng Bilibili vào tháng 5 vừa qua.
Ví dụ, hệ thống phòng chống đại dịch được số hóa cao của Trung Quốc đã đặt ra không ít thách thức cho những người không có smartphone. Hầu hết mọi người đều cần mã sức khỏe kỹ thuật số để đi vào một địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay làm xét nghiệm PCR.
Leon cho biết anh chủ yếu giải quyết vấn đề này bằng cách mang theo chứng minh nhân dân, kết quả xét nghiệm và tờ giấy in mã số sức khỏe. Anh còn chuyển đổi chiếc iPod cũ để kết nối Wi-Fi mỗi khi cần trình mã sức khỏe để di chuyển bằng tàu hoặc máy bay.
Leon nói thêm: “Đại dịch đã khiến việc sống thiếu smartphone trở nên khó khăn hơn. Chiếc iPod đã giúp tôi rất nhiều trong giai đoạn này”.
Hiện tại, Leon không có kế hoạch sử dụng smartphone trở lại. Anh vẫn cho rằng mình có thể tận dụng nhiều thiết bị khác nhau để thay thế smartphone và lối sống này có thể mang lại những lợi ích không ngờ.
“Tôi sẽ không còn bị phân tâm và bị mắc kẹt bởi thiết kế gây nghiện của một smartphone nữa. Bản thân chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số không quan trọng, điều quan trọng là bạn phải đối mặt với chính mình và tìm hiểu những công nghệ nào thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình”, Leon nói.
Nguồn: Sixth Tone
Nhịp sống thị trường