MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ACB nỗ lực thu hồi khoản nợ hơn 800 tỷ đồng liên quan đến bầu Kiên

16-06-2020 - 15:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết, hiện tại 6 công ty có mối quan hệ đặc biệt với ngân hàng trong giai đoạn 2012 thông qua ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) còn dư nợ gốc 806 tỷ đồng và nợ lãi khoảng 1.000 tỷ đồng.

Sáng ngày 16/6, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, qua đó lên kế hoạch thu về khoảng 7.636 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Thông tin thêm tại đại hội, Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, tính đến 31/5/2020, lợi nhuận của ACB đã đạt mức 3.450 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2020, ACB có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch năm 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm có khả năng hoàn thành với tiến độ như hiện tại.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lãnh đạo ACB cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ chậm hơn mọi năm.

ACB cũng đề ra kế hoạch tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11,75% (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 của ACB được NHNN giao tối đa là 11,75%). Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 kiểm soát dưới 2%.

Tuy nhiên, hiện tại 6 công ty có mối quan hệ đặc biệt với ACB trong giai đoạn 2012 thông qua ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) còn dư nợ gốc 806 tỷ đồng và nợ lãi khoảng 1.000 tỷ đồng. Khoản nợ này bao gồm trái phiếu, nợ vay và khoản phải thu. Giá trị đảm bảo cho toàn bộ khoản nợ gốc xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.

So với thời điểm mới phát sinh, dư nợ của nhóm công ty này đã giảm hơn 8.500 tỷ đồng. Cách đây hai năm, ACB cũng không còn ghi nhận khoản mục "Dư nợ nhóm sáu công ty" trên báo cáo tài chính.

"Nỗ lực của ban điều hành với việc xử lý nợ 6 công ty này rất tích cực. Ngân hàng đã trích lập dự phòng toàn bộ 806 tỷ đồng nên bây giờ thu hồi được bao nhiêu thì lợi nhuận tăng bấy nhiêu", ông Toàn cho biết.

Tuy vậy, nếu muốn bán tài sản này phải có người mua phù hợp, mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc sự hợp tác của các bên liên quan. Vì thế, có thể mất 2 năm để ACB thu hồi các khoản nợ này.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng xin ý kiến cổ đông việc phát hành trái phiếu quốc tế nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, tài trợ cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời dự kiến trong năm nay sẽ chuyển cổ phiếu niêm yết từ sàn Hà Nội vào TP.HCM và tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông cho cổ đông với tỷ lệ 30%.

Mục đích của đợt tăng vốn này là nhằm gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ của ngân hàng, đầu tư vào các dự án chiến lược trong giai đoạn 2019-2024…

Theo Thanh Hương

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên